Những “ông bầu” giàu nhiệt huyết
Mê thể thao, thích tổ chức giải, một số “ông bầu” ở TP Quy Nhơn đang tạo nên những sân chơi thú vị cho học sinh, sinh viên. Ðó đều là những mô hình đáng nhân rộng.
“Ông vua” tổ chức giải
Nói đến việc đứng ra tổ chức giải bóng đá phong trào, có lẽ không ai dám tranh ngôi “quán quân” của anh Tô Phước Sanh (chủ cơ sở Bánh chưng bánh tét Bà Xê). Hơn chục năm qua, anh đã tổ chức tròm trèm… trăm giải lớn nhỏ. Trong đó, rất nhiều giải “phủi” thu hút những đội bóng mạnh ở thành phố biển tham gia, góp phần kích thích phong trào chơi bóng đá. Sau một thời gian gắn bó với các giải “phủi”, “bầu Sanh” đột ngột chuyển sang bóng đá trẻ. Anh chia sẻ: “Làm bóng đá phủi rất cực, một số đội bóng, cầu thủ ý thức chưa cao nên dễ xảy ra những sự cố ngoài ý muốn. Được một số anh em góp ý, từ năm 2015, tôi bắt đầu tổ chức giải bóng đá dành cho học sinh, giải U17, U21, tạo thêm sân chơi lành mạnh cho các em”.
“Ông bầu” Tô Phước Sanh (hàng đứng, thứ 5 từ trái sang) cùng đội vô địch Giải bóng đá mini học sinh khối trường THPT TP Quy Nhơn lần thứ VI.
Đều đặn như vậy, đến nay, anh Tô Phước Sanh đã tổ chức 6 giải ở TP Quy Nhơn, 2 giải ở huyện Tuy Phước và 2 giải ở TX An Nhơn dành cho học sinh THPT. Sau đó còn tổ chức trận siêu cúp giữa 2 đội vô địch của An Nhơn và Tuy Phước. Nhận được hiệu ứng tốt, năm 2020, anh quyết định mở rộng giải ra phạm vi toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, các giải đã xác định được 7 đội vô địch ở 7 huyện, thành phố. Hiện giải bóng đá khối THPT TX An Nhơn đang diễn ra, giải tại Hoài Ân dự kiến cuối tháng 6 sẽ tổ chức. 9 đội vô địch ở 9 địa phương (huyện Tây Sơn và TX Hoài Nhơn chưa sẵn sàng các điều kiện để tổ chức nên lỡ hẹn) sẽ về TP Quy Nhơn để tham gia vòng chung kết.
Được biết, ngoài khoản chi phí tổ chức giải khoảng gần 250 triệu đồng, “bầu Sanh” còn hỗ trợ kinh phí cho các đội tham dự vòng chung kết (tùy theo điều kiện và khoảng cách địa lý, với các mức 1 triệu đồng, 600 nghìn đồng, 300 nghìn đồng/trận). Anh Sanh cho biết: “Tôi luôn mong muốn nâng cao chất lượng các giải đấu và tạo sự mới mẻ, do đó, có năm tôi tổ chức theo kiểu chia bảng, có năm lại đá vòng tròn; rồi có cả những giải đấu của các nhà vô địch. Chỉ cần có sự phối hợp của Hội LHTN hoặc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh địa phương, tôi sẵn sàng lo hết phần còn lại để tổ chức giải”.
Những đóng góp thầm lặng
Không có bề dày kinh nghiệm tổ chức giải như Tô Phước Sanh, nhưng cách mà ông thầy chuyên dạy kèm Toán Nguyễn Trấn Hiệp đóng góp cho phong trào cũng có nét riêng. Quê ở Hà Tây (Hà Nội), vào học sư phạm Toán ở Trường ĐH Quy Nhơn, năm 2011 ra trường, anh Hiệp chọn cách dạy thêm để lo cho cuộc sống. Mê bóng đá, anh đồng hành với “bầu Sanh” ở một số giải, khi thì tài trợ cúp, cờ, huy chương; lúc thì hỗ trợ chút ít kinh phí. Khi tích lũy được kinh nghiệm, Trấn Hiệp đứng ra tổ chức các giải dành cho đội bóng lớp ở trường đại học, THCS…; sau đó là giải dành cho các đội ở các trường THPT. Nhưng giải đấu mà anh dồn nhiều tâm huyết nhất là U19, được duy trì 4 năm qua.
Thầy giáo trẻ Trấn Hiệp cho hay: “Giải do tôi tổ chức thường theo hình thức xã hội hóa, các đội tham gia đóng góp kinh phí, mình cũng bỏ ra một ít. Ngoài tổ chức giải, tôi còn có 2 đội U17 và U19 thường xuyên tập luyện để thi đấu giao lưu. Với bóng đá trẻ, cần phải cho các em thi đấu càng nhiều càng tốt, như vậy mới tích lũy được kinh nghiệm và có động lực tập luyện”.
Trong khi đó, anh Lê Hồ Nghiệm (làm công việc tự do) lại chọn một hướng tiếp cận khác, khi tổ chức cả bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ cho đối tượng học sinh, sinh viên. Quy mô của các giải đấu không lớn, nhưng nhờ đánh trúng “gu” của học trò nên đều rất sôi nổi. Anh Nghiệm cho hay: “Từ năm 2014 tôi đã tổ chức giải thể thao cho học sinh. Nhiều em học sinh, sinh viên mê những môn thể thao khác nhau, nên mình phải biết lắng nghe những gì họ cần để đáp ứng. Bóng đá là môn thể thao vua, nhưng bóng chuyền, bóng rổ cũng có sức hút riêng. Do đó, tôi thường phối hợp với những người tâm huyết tổ chức để tạo sân chơi cho lớp trẻ”.
HOÀNG QUÂN