Chuyển đổi phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới: Trường VNEN có nhiều lợi thế
Từ năm học 2013 - 2014, mô hình trường học mới VNEN được thí điểm ở 16 trường tiểu học thuộc các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Bước vào giai đoạn chuyển đổi phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, phần lớn các trường VNEN khá tự tin vì giữa 2 chương trình có nhiều điểm tương đồng.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới) chú trọng dạy học để phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh theo khung phát triển 5 năng lực và 10 phẩm chất. Còn mô hình VNEN chú trọng phát triển năng lực cho học sinh như năng lực tìm tòi, sáng tạo; vận dụng, giải quyết vấn đề; làm việc nhóm… Trong các hoạt động, giáo viên là người hướng dẫn, học sinh sẽ thảo luận để thực hiện.
Ít bỡ ngỡ
Ông Lê Văn Bích, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Phù Mỹ, khẳng định: Chúng tôi tiếp cận mô hình VNEN khá sớm, cả cấp tiểu học và THCS. Năm vừa rồi, huyện đã có học sinh VNEN thi vào 10 THPT. Nói về chất lượng học tập, nếu căn cứ vào một kỳ thi mà đánh giá là phiến diện. Nhưng khách quan mà nhận xét, kết quả của học sinh VNEN không hề thua kém học sinh trường thường. Xét về kỹ năng, mức độ tự tin, tính tự giác trong học tập thì học sinh VNEN vượt trội. Do vậy, khi triển khai chương trình GDPT 2018, các trường đã tiếp cận mô hình VNEN đều tìm thấy nhiều điểm tương đồng, dễ bắt nhịp với chương trình mới.
Ở mô hình VNEN, em nào không rõ bài giáo viên sẽ hướng dẫn trực tiếp, những em làm xong sẽ làm bài khác.
- Trong ảnh: Lớp học VNEN của Trường Tiểu học Tây Xuân, huyện Tây Sơn (vì thực hiện giãn cách nên các em không ngồi học theo nhóm).
Để phát triển năng lực học sinh, các trường dạy học theo mô hình VNEN triển khai khá nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao bằng nhiều hình thức sáng tạo và học sinh sẽ tự mình tổ chức, điều hành hoạt động. Không chỉ vậy, trong nhiều giờ học, các em được tổ chức học nhóm ngay trên lớp.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Xuân, huyện Tây Sơn, cho biết: Khi học nhóm, các em tự nghiên cứu, thảo luận bài. Sau khi có kết quả, các em sẽ trình bày trước lớp. Nhờ thường xuyên nói trước đám đông, nhiều em dạn dĩ, trình bày vấn đề lưu loát. Theo mô hình này các em rất tự giác, có đôi khi giáo viên chưa đến lớp các em vẫn tự lấy sách vở, em chủ tịch hội đồng tự quản sẽ điều hành lớp, phân chia công việc cho các nhóm, nhóm trưởng sẽ điều hành nhóm của mình. Mục đích, cách triển khai của mô hình VNEN và chương trình GDPT 2018 có nhiều nét tương đồng.
Giáo viên là người truyền cảm hứng
Theo chương trình GDPT 2018, chương trình học sẽ được dạy theo cách tích hợp liên môn, môn này liên quan đến môn khác nhưng không làm mất đặc trưng của môn chính. Chương trình mới buộc giáo viên phải đọc nhiều, tìm hiểu và chuẩn bị nhiều hơn.
Một số giáo viên đã dạy VNEN cho hay, ngày trước dạy học theo cách truyền thụ kiến thức một chiều, giáo viên chuẩn bị 1 bài giảng, học sinh tiếp thu nhanh hay chậm đều nghe một bài giảng ấy. Nhưng với chương trình VNEN, em nào chưa làm được thì giáo viên tập trung dạy kỹ hơn, em nào làm xong có thể chuyển qua bài khác, tức là dạy đến từng học sinh, theo năng lực của học sinh. Do vậy, giáo viên phải chuẩn bị nhiều bài giảng, nhiều dụng cụ, đồ dùng học tập để các em sử dụng. Cô Dương Thị Trúc Phương, giáo viên Trường Tiểu học Tây Xuân, chia sẻ: Học sinh bây giờ có nhiều kênh để tiếp cận kiến thức, thông tin, do vậy giáo viên cũng phải cập nhật thường xuyên để tạo hứng thú cho các em, vừa dẫn dắt các em học vừa có thể đáp ứng nhu cầu mở rộng kiến thức.
Theo chương trình mới, học sinh được quan tâm nhiều hơn, có điều kiện để phát lộ tố chất và giáo viên là người định hướng để các em phát triển tối đa năng lực cá nhân. Ông Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (huyện Tuy Phước), chia sẻ: Giáo viên phải là người truyền cảm hứng. Kinh nghiệm dạy theo chương trình VNEN cho thấy, các em học rất ổn, không thua sút gì so với các em học theo chương trình bình thường. Riêng độ lanh lợi, hoạt bát, tự tin thì cao hơn, rất nhiều giáo viên đã xác nhận như vậy. Vì vậy khi tiếp cận với chương trình GDPT 2018, chúng tôi khá tự tin. Sơ bộ chúng tôi đã tìm thấy nhiều điểm tương đồng với VNEN, nên có thể phát huy kinh nghiệm. Dù vậy tôi vẫn động viên các thầy các cô tiếp tục tìm tòi, sáng tạo và thay đổi.
Bà Hồ Thị Phi Yến, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT), cho biết: Tâm thế chịu đổi mới, chịu học hỏi của giáo viên rất quan trọng. Những trường đã đi trước có những lợi thế nhất định trong việc triển khai chương trình GDPT 2018 sắp tới.
THẢO KHUY