Hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với DN, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, thực tế, công tác này còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc; nhất là cơ chế, chính sách trong bố trí nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện.
Hoạt động HTPL cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
- Trong ảnh: Lớp tập huấn kiến thức pháp luật về HTPL cho DN do Sở Tư pháp tổ chức vào tháng 10.2019.
Theo Sở Tư pháp, thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24.6.2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho DN nhỏ và vừa, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức quán triệt, triển khai cho cán bộ pháp chế, cán bộ được giao làm công tác HTPL cho DN trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác HTPL cho DN; tổ chức thực hiện các hoạt động HTPL. Xây dựng, ban hành chính sách HTPL cho DN nhỏ và vừa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn tại địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với DN, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Trong năm 2020, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả công tác HTPL cho DN. Thực hiện chương trình HTPL liên ngành dành cho DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng và phát hành tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của DN; hướng dẫn nghiệp vụ và giải đáp vướng mắc về pháp luật theo đề nghị của DN. Tổ chức hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ, tọa đàm, đối thoại để tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị của DN.
Tuy nhiên, công tác HTPL cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn, nhất là về kinh phí thực hiện. Ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp, phân tích: Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã thực hiện được 1 năm, nhưng chế độ tài chính cho công tác này còn áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12.10.2010 của liên Bộ Tài chính- Tư pháp. Trong khi đó, các mức chi, nội dung chi quy định tại Thông tư này không còn phù hợp với công tác HTPL cho DN trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ đầu mối thực hiện công tác HTPL cho DN nhỏ và vừa cũng gặp vướng mắc. Cụ thể, theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ thì công tác HTPL cho DN do cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành đảm nhiệm. Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc quyết định bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn theo đặc thù riêng của từng địa phương và từng cơ quan chuyên môn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long: “Quy định là vậy, nhưng đến nay tỉnh chưa tổ chức thực hiện được mô hình này vì số lượng biên chế còn hạn chế. Các cơ quan chuyên môn chủ yếu phân công cán bộ, công chức thuộc phòng thanh tra hoặc văn phòng kiêm nhiệm công tác này”.
Ngoài ra, công tác HTPL cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh còn gặp một số vướng mắc khác, như: Việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến DN còn nhiều bất cập; các DN chưa chủ động đề nghị được HTPL. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác HTPL chủ yếu thực hiện kiêm nhiệm nên còn lúng túng trong hỗ trợ, tư vấn khi DN có yêu cầu; chất lượng, hiệu quả chưa cao.
Để khắc phục, ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiến nghị: Chính phủ, Bộ Tư pháp cần sớm thay đổi thể chế và ban hành “Chương trình HTPL cho DN giai đoạn 2021 - 2025” theo quy định cụ thể tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật; tổ chức và nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế DN.
Nhanh chóng tăng cường nguồn lực cho hoạt động HTPL DN; bao gồm nguồn lực con người và tài chính, vật chất. Cần sửa đổi định mức tài chính cho hoạt động HTPL DN; huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội cho hoạt động này. Ngoài ra, đa dạng hóa các hình thức tư vấn pháp luật cho DN, như: Tổ chức các buổi tư vấn pháp luật thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp; thành lập mạng lưới tư vấn viên pháp luật là những người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm để kịp thời tư vấn cho các DN nhỏ và vừa khi có đề nghị.
VĂN LỰC