Hy vọng từ “cú hích” mạnh
Nhằm khuyến khích tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm mới, khai thác chất liệu và âm hưởng dân ca của các dân tộc thiểu số, tháng 5.2020, Bộ VH-TT&DL đã phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2020.
Cuộc thi lần này mở rộng cho tất cả các tác giả trong nước, ai có tác phẩm âm nhạc phù hợp với nội dung, chủ đề cuộc thi đều có quyền gởi tham gia. Và theo nhiều nhạc sĩ, cuộc thi có thể sẽ tạo ra “cú hích” rất mạnh cổ vũ cho mảng sáng tác vốn còn khá mỏng này. (Trước đó, cuộc thi cùng chủ đề trên tổ chức năm 2018 chỉ nhận những tác phẩm của các tác giả là người dân tộc thiểu số. Kết quả có 40 nhạc sĩ ở 23 tỉnh, thành gửi tác phẩm dự thi).
Kho tàng âm nhạc dân gian của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam rất phong phú, có những giá trị độc đáo, nhưng đến nay chỉ mới có một số ít các nhạc sĩ tìm tòi, nghiên cứu, vận dụng và sáng tạo. Những ca khúc tạo được ấn tượng, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng còn ít hơn.
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, ở Bình Định, việc phát huy giá trị âm nhạc dân gian của các đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khiêm tốn. Chính vì vậy khi cuộc thi lần này mở rộng diện đối tượng, nhiều nhạc sĩ đã bày tỏ sự quan tâm, động viên nhau tham gia. Hiện Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định, Chi hội Âm nhạc (Hội VHNT tỉnh) đang khuyến khích hội viên bám sát sự vận động của đời sống thực tế các đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh như Bana, Chăm, H’re với các lễ hội, vốn âm nhạc dân gian phong phú…, để sáng tạo.
Với niềm phấn khích mới từ Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2020, hy vọng công chúng sẽ được nghe trình diễn nhiều tác phẩm xuất sắc như đã từng nghe, điển hình như: Bóng cây Kơ nia (thơ Ngọc Anh, nhạc Phan Huỳnh Điểu), Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó (Nguyễn Tài Tuệ), Ngọn lửa cao nguyên (Trần Tiến), Chim Phí bay về cội nguồn, Đi tìm lời ru nữ thần Mặt trời, Đôi chân trần (Y Phôn)….
MAI THƯ