Một đôi hiện vật đặc sắc
Hiện tại, Bảo tàng Bình Định đang trưng bày 2 tượng sư tử đá còn khá nguyên vẹn được khai quật tại phế tích tháp Mẫm (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn). Các nhà nghiên cứu cho rằng, tượng sư tử đá này thuộc văn hóa Champa ở thế kỷ XIII. Trong văn hóa Champa, sư tử là 1 trong 10 kiếp hóa thân của thần Vishnu, nên người Champa dùng sư tử để biểu hiện cho vương quyền và sức mạnh.
Tượng sư tử đá được tìm thấy tại tháp Mẫm, trưng bày tại Bảo tàng Bình Định.
Trước đó, cũng tại phế tích tháp Mẫm, người ta còn tìm thấy 2 tượng sư tử đá giống với 2 tượng trưng bày tại Bảo tàng Bình Định (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Nhiều nhà khảo cổ cho rằng, vì ý nghĩa to lớn của sư tử đối với văn hóa Champa nên rất có thể 4 tượng sư tử được bố trí tại 4 góc tháp.
Trong khuôn khổ hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và CHLB Đức, từ ngày 6.10.2016 - 3.1.2018, tại 3 bảo tàng khảo cổ lớn ở các thành phố Herne, Chemnitz và Mannheim của nước Đức diễn ra triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”. Có tất cả 200 hiện vật khảo cổ được trưng bày, trong đó có sự góp mặt của tượng sư tử đá mang phong cách tháp Mẫm do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lưu giữ.
Chuyện hiện vật sang trời Âu để triển lãm không còn xa lạ vì trước đó vào năm 2003, phù điêu nữ thần Mahishasuramardini và phù điêu thần Brahma đã được Bảo tàng lịch sử Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và lịch sử Bruxelles (Bỉ) mượn trưng bày tại triển lãm với chủ đề “Việt Nam - quá khứ và hiện tại”. Kể như vậy để thấy, điêu khắc Chăm của Bình Định có những điểm đặc sắc và giá trị riêng, xứng đáng là niềm tự hào đối với người dân Bình Định. Chỉ đáng tiếc là triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” không có sự góp mặt của đôi sư tử đá mà Bảo tàng Bình Định đang lưu giữ.
ĐỖ THẢO