Ghi nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử: Bước tiến mới đến nghề cá hiện đại
Nhằm giúp ngư dân từng bước tiếp cận công nghệ, hướng đến phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, cuối tháng 3.2020, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng phối hợp với ngành Thủy sản Bình Ðịnh triển khai thí điểm công nghệ ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử trên 10 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân TX Hoài Nhơn.
Đến nay, hầu hết ngư dân khai thác thủy sản (KTTS) xa bờ trong tỉnh đều chấp hành tốt các quy trình về ghi chép, nộp nhật ký KTTS theo quy định của Luật Thủy sản. Tuy nhiên với việc ghi nhật ký bằng giấy như lâu nay, cả ngư dân, DN, cơ quan quản lý đều gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian dài chuẩn bị, tháng 3.2020, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) và ngành Thủy sản Bình Định triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) trên 10 tàu câu cá ngừ đại dương (CNĐD) của ngư dân Hoài Nhơn.
eCDT - dễ dùng, tiện lợi
Đưa chúng tôi ra tàu của mình, ngư dân Bùi Văn Xếp, ở phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 97738-TS, vừa thực hiện các thao tác vừa hào hứng thuyết minh: “Cái hay của công nghệ eCDT là chỉ cần mở phần mềm trên điện thoại di động và chụp ảnh con cá thì các thông tin về vị trí khai thác, tọa độ tàu đã được cập nhật tự động, lưu vào hệ thống. Tin nhắn soạn sẵn trên thiết bị giám sát hành trình của VNPT cũng cập nhật và gửi thẳng các nội dung cần thiết về Tổng cục Thủy sản. Tất cả nội dung mình thực hiện bằng điện thoại di động đã lưu, khi bán hàng cho DN nào mình chỉ cần gửi dữ liệu cho họ là xong. Họ sẽ căn cứ vào đó mà khai báo để ngành chức năng thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản và xác nhận, không cần mượn nhật ký giấy của ngư dân để photo lưu lại như hiện tại. So với trước, eCDT tiện đủ bề”.
Ngư dân làm nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở TX Hoài Nhơn hào hứng khi sử dụng công nghệ eCDT.
Tham gia thí điểm ứng dụng eCDT, ngư dân đã dần sử dụng thành thạo và tỏ ra khá hài lòng. Ngư dân Nguyễn Văn Quốc, cũng ở phường Tam Quan Bắc, chủ tàu cá BĐ 98338-TS, cho hay: “Việc ghi nhật ký KTTS bằng giấy khi thực hiện trong điều kiện sóng gió gặp nhiều khó khăn. Còn sử dụng eCDT rất đơn giản mà lại hiệu quả. Mỗi tàu cá sẽ được cấp một mã nhận dạng riêng được cấp cho một điện thoại di động; khi khai thác được cá, mỗi con CNĐD được cột một dây định danh tại đuôi có gắn mã ID, ngư dân chỉ cần dùng di động chụp ảnh lại thì phần mềm sẽ tự cập nhật về tọa độ, vị trí tàu, loại cá ngừ vây vàng hay mắt to, mình chỉ ước trọng lượng con cá nhập vào là xong, thao tác nhanh mà thuận tiện vô cùng”.
VNPT là đơn vị được Tổng cục Thủy sản chọn làm đối tác thực hiện các yêu cầu liên quan thiết kế eCDT. Theo ông Hà Đăng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VTC (trực thuộc VNPT), ngư dân có thể ghi nhật ký KTTS bằng cách soạn tin trên thiết bị giám sát hành trình của VNPT cung cấp, lắp đặt, hoặc trên điện thoại di động có cài sẵn phần mềm VSS Catching Doc, thao tác trên thiết bị nào cũng đơn giản. Hiện VNPT cũng đã chuẩn kỹ các điều kiện để thực hiện dự án đồng bộ eCDT giữa ngư dân, cơ quan quản lý, DN mua gom sản phẩm khi Tổng cục Thủy sản chính thức cho áp dụng eCDT, khi ấy mọi việc sẽ còn thuận lợi thêm một bước nữa.
Cần được đồng bộ
Hệ thống eCDT khi được ứng dụng rộng rãi sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho các bên liên quan, như: Cơ quan quản lý nghề cá, ngư dân, ban quản lý cảng cá, chủ nậu và DN thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản theo quy định. Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn), cho hay: “Mỗi mùa trăng tàu cá ngư dân cập cảng Tam Quan lên đến cả nghìn chiếc, trong 5 - 7 ngày nghỉ biển, cán bộ, nhân viên cảng phải thực hiện rất nhiều việc từ làm thủ tục xuất nhập cảng, kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản… tốn nhiều thời gian, nhân lực. Nếu hệ thống eCDT được ứng dụng đồng bộ, Ban quản lý cảng cá thuận lợi nhiều, mà ngư dân cũng không cần phải đến khai báo trực tiếp như hiện nay”.
“Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng eCDT từ lâu. Việc thí điểm ứng dụng công nghệ eCDT tại Bình Ðịnh nhằm định hướng lâu dài trong công tác quản lý nghề cá theo hướng hiện đại, phát triển bền vững. eCDT khi được triển khai đồng bộ sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho các bên liên quan, nhất là ngư dân có quyền lựa chọn phương thức tối ưu để ứng dụng”.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ KTTS (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT)
Việc triển khai thí điểm eCDT tại Bình Định đã mang lại hiệu quả tích cực, bước đầu đã đáp ứng nhu cầu thông tin về loài thủy sản, sản lượng, tọa độ đánh bắt, thời gian khai thác của từng cá thể CNĐD và người mua đầu tiên. Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD, cho biết: “Chúng tôi lựa chọn thí điểm công nghệ eCDT tại Bình Định bởi đây là địa phương có đội tàu khai thác cá ngừ lớn nhất nước, đang thực hiện chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ CNĐD. Kết quả thí điểm cho thấy, eCDT hoàn thành tốt các mục việc đã đề ra. Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi đề nghị Tổng cục Thủy sản đánh giá, xây dựng lộ trình hoàn thiện, ứng dụng hệ thống eCDT quốc gia”.
Về góc độ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) Nguyễn Công Bình cho rằng: Ghi nhật ký KTTS và truy xuất nguồn gốc thủy sản là những nội dung quan trọng trong thực thi Luật Thủy sản và các quy định IUU. Tuy nhiên, bước đầu việc thí điểm eCDT mới chỉ áp dụng cho ngư dân. Những giai đoạn tiếp theo, Tổng cục Thủy sản sẽ triển khai thực hiện cho cơ quan quản lý nghề cá, cảng cá, chủ nậu… tiến tới áp dụng cho cả nước.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN