Về đâu các làng nghề truyền thống?
Qua bao thăng trầm của thị trường, nhiều làng nghề truyền thống (LNTT) ở tỉnh ta đang mất dần vị thế và có nguy cơ mai một. Nhận diện được nguyên nhân khiến các LNTT lâm vào cảnh khó khăn để tìm hướng “vực dậy” là việc làm cấp thiết hiện nay của các cấp, các ngành.
Qua rồi thời hưng thịnh
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 54 làng nghề, tập trung nhiều nhất ở thị xã An Nhơn với 30 làng nghề. Trong số 54 làng nghề, có 38 LNTT đã được tỉnh công nhận.
Nổi tiếng từ cả trăm năm nay và đã gây dựng được “thương hiệu” riêng, đó là làng rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá, An Nhơn). Nhưng thời gian gần đây nghề rèn ở địa phương đang ngày càng khó khăn. Ông Trương Văn Kiệt, chuyên rèn bếp ông táo (kiểu bếp truyền thống đun bằng củi - kiềng 3 chân), cho biết: Trước đây, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó và có mặt ở khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Còn bây giờ, sản phẩm ế ẩm, trong khi giá nguyên liệu tăng cao, với 2 lao động, gia đình tôi làm được 30 bếp ông táo/ngày, trừ chi phí còn lãi được 100 ngàn đồng, giảm hơn một nửa so với trước, công việc lại bấp bênh.
Tìm đến làng gốm Vân Sơn (xã Nhơn Hậu - An Nhơn), chúng tôi được biết nơi đây cũng chẳng còn bao nhiêu hộ giữ được nghề, bởi các sản phẩm: nồi niêu, bếp lò, chậu, vò… bằng đất nung không thể cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại được sản xuất bằng kim loại, nhựa… Tranh thủ chút nắng hiếm hoi của mùa đông, vài hộ làm nghề gốm đem phơi sản phẩm trước khi cho vào lò nung, song bà con cho biết sản xuất không nhiều, chỉ lấy công làm lời.
Nhiều LNTT nổi tiếng trên địa bàn tỉnh hiện cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn, chẳng hạn như làng rượu Bàu Đá (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc - An Nhơn). Bà Lương Thị Bai, người gắn bó với nghề nấu rượu Bàu Đá ở Cù Lâm hơn 30 năm, tâm sự: “Nấu rượu bây giờ không có lời, đôi khi còn chấp nhận lỗ. Giá gạo, giá nếp, giá chất đốt tăng từng ngày nhưng giá rượu bán ra thì không tăng. Bây giờ, nấu rượu chủ yếu là lấy hèm để nuôi heo”.
Ngay cả nghề dệt chiếu cói - cái nghề mà ít ai nghĩ đến có ngày sản phẩm làm ra không tiêu thụ được - hiện cũng đang rơi vào giai đoạn khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bé, làm nghề dệt chiếu ở thôn Lạc Điền (xã Phước Thắng - Tuy Phước) tâm sự: “Mấy năm trước, sản phẩm làm ra bao nhiêu thương lái mua bấy nhiêu, còn bây giờ thì ế ẩm vì chiếu dệt bằng máy, chiếu nhựa, chiếu trúc có mẫu mã đẹp, giá lại rẻ nên người mua thích hơn. Nghề dệt chiếu mai một nên giá cói cũng giảm theo. Lúc trước, cói ở đây bán được 2 triệu đồng/sào, nhưng bây giờ chỉ còn 150 ngàn đồng/sào mà cũng không ai mua”…
Nhận diện khó khăn
Sau những chuyến thâm nhập thực tế, chúng tôi được nghe những người trong cuộc trăn trở về những cái khó mà các LNTT đang gặp phải. Ông Huỳnh Ngọc Hưởng (ở thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc - An Nhơn) cho biết: “Trung bình mỗi ngày các hộ làm bánh tráng ở đây làm khoảng 60 ràng bánh, nhưng thiếu sân phơi bánh nên sản xuất không nhiều, dù có thị trường tiêu thụ”.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng thôn Cù Lâm, tâm sự: Bên cạnh hàng giả, hàng nhái rượu Bàu Đá ngày càng nhiều, nghề nấu rượu ở Cù Lâm trong những năm qua gặp nhiều khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm... Còn bà con làm nón ngựa ở Cát Tường (huyện Phù Cát) cho biết việc phát triển du lịch làng nghề không đơn giản nên rất khó tiêu thụ sản phẩm…
Theo ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương, khó khăn mà các LNTT trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp phải là do việc tổ chức sản xuất ở một số làng nghề còn phân tán, quy mô nhỏ, khép kín trong gia đình. Trình độ tay nghề của lao động trong LNTT còn yếu, phần lớn chưa qua các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn. Việc phân công, hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh chưa mạnh. Ngoài ra, trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật của các chủ hộ, chủ cơ sở ở các LNTT còn thấp. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở các LNTT tuy đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng chưa được hoàn thiện. Các chính sách khuyến khích phát triển LNTT chưa được các địa phương thực thi đồng bộ. Bên cạnh đó, các điều kiện cần cho sự phát triển của các LNTT lúc ban đầu đã không còn phù hợp; các sản phẩm thủ công cạnh tranh không cân sức với các sản phẩm công nghiệp...
“Vực dậy” các làng nghề
Nhận diện được nguyên nhân khiến các LNTT lâm vào cảnh khó khăn để cùng tìm hướng gỡ khó và phát triển là việc làm cấp thiết hiện đang được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm. Thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển LNTT trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chính sách này, trong giai đoạn 2006-2012, UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng ở các LNTT với tổng kinh phí 11,35 tỉ đồng. Trong đó, 5 LNTT gắn với du lịch (rượu Bàu Đá Cù Lâm, tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, rèn Tây Phương Danh, nón ngựa Phú Gia, dệt thổ cẩm Hà Ri) được hỗ trợ 3,23 tỉ đồng. Nguồn kinh phí khuyến công địa phương cũng đã hỗ trợ 348 triệu đồng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 230 lao động ở các LNTT; hỗ trợ 451 triệu đồng cho 4 cơ sở mua sắm máy móc thiết bị áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra còn có 20 cơ sở ở các LNTT được tỉnh hỗ trợ chi phí tham dự các hội chợ, triển lãm.
Một số địa phương cũng đã chủ động vào cuộc để vực dậy các LNTT. Ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho biết: “Để có cơ sở định hướng phát triển bền vững các LNTT, UBND thị xã đã thông qua đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó, thị xã cũng đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp đã có, lập quy hoạch các điểm, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để di dời các cơ sở ở các LNTT đến sản xuất tập trung, tránh gây ô nhiễm môi trường. Thị xã cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình ở các LNTT đầu tư thiết bị, công nghệ mới, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tham gia hội chợ để quảng bá sản phẩm làng nghề”.
Theo ông Trần Đức Tiến, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các cơ sở sản xuất ở các LNTT cần quan tâm đầu tư chiều sâu, đầu tư mở rộng trên cơ sở lựa chọn những ngành hàng, những sản phẩm có khả năng cạnh tranh nhằm phát huy những năng lực còn tiềm ẩn. Cần có cung cách quản lý tiên tiến, cùng với các giải pháp cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Mặt khác, cần chú trọng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu, thực hiện tốt chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm để tạo sự tin tưởng và ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách hàng. Chủ động và gia tăng sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp với nhau thông qua từng hiệp hội ngành nghề để nâng cao tiềm lực, sức cạnh tranh.
Theo Quy hoạch phát triển làng nghề Bình Định giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020, mục tiêu hàng đầu là khôi phục và khuyến khích phát triển làng nghề một cách bền vững, gắn với quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Phát triển làng nghề phải gắn với thu hút và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo hướng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân; đồng thời gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương thông qua các sản phẩm phục vụ phát triển DL, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Bài và ảnh: ĐÌNH PHÙNG