Quy hoạch khu ở Quy Nhơn: Gạch nối từ làng lên phố
Năm 1471, sau khi Vijaya về với Đại Việt vùng đất biên viễn mau chóng thành xóm làng trù phú. Năm 1602 chúa Nguyễn Hoàng cho đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, với thông điệp cùng niềm ước vọng dùng nhân đức để trị vì “dân chi qui nhân dã, do thủy chi tựu hạ” (Mạnh Tử, tạm dịch: Dân theo người có lòng nhân như nước chảy về chỗ thấp). Gần 550 năm sau có thể nói ước vọng của chúa Nguyễn Hoàng đã thành hiện thực, thậm chí rực rỡ hơn cả ngài kỳ vọng.
Khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đặc biệt chú ý đến Quy Nhơn bởi sớm nhận ra vị thế trọng yếu nơi này nên đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị Quy Nhơn có quy mô hơn so với một số đô thị khác trong vùng.
Quy Nhơn là thành phố của “biển & không gian xanh” giữa lòng thành phố. Ảnh: LÊ HỒ BẮC
Năm Thành Thái thứ 10 (20.10.1898) từ tờ trình của Cơ mật viện ngày 6.9 và dụ của vua Thành Thái ngày 5.6 năm Thành Thái thứ 11 (12.7.1899), TX Quy Nhơn cùng với 5 thị xã khác ở miền Trung được chính thức thiết lập. Đến ngày 14.3.1900 toàn quyền Đông Dương - Léon Jules Pol Boulloche ký Nghị định số 277 quy định cụ thể ranh giới của TX Quy Nhơn, và ấn định các nguồn thu vào ngân sách của thị xã này. Theo đó, lãnh địa của TX Quy Nhơn được tạo thành từ hai thôn Cẩm Thượng và Chánh Thành. Đến năm 1930, TX Quy Nhơn được nâng cấp lên thành phố. Đứng đầu thành phố là viên đốc lý do Công sứ Bình Định kiêm nhiệm. Giúp việc cho đốc lý thành phố là hội đồng thành phố. TP Quy Nhơn có ngân sách riêng kể từ ngày 1.1.1931. Tiến thêm một bước trong việc phân định cơ cấu hành chính, hoạch định đô thị Quy Nhơn, ngày 2.7.1932, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 1111, theo đó TP Quy Nhơn được chia làm 5 khu. Có thể nói đây là thời điểm chính thức để Quy Nhơn không còn đơn vị “làng” nữa, thay vào đó cách gọi “khu” sẽ giúp Quy Nhơn xuất hiện với dáng vẻ khác.
Về tổng quan quy hoạch, thiết kế TP Quy Nhơn cho đến năm 1932 có nhiều ưu điểm, được quy hoạch hợp lý, theo đó khu 1, khu 2 thuộc đất làng Chánh Thành; khu 3 và khu 4 thuộc đất làng Cẩm Thượng; khu 5 thuộc đất làng Hưng Thạnh. Hơn nữa, ngay từ năm 1929 chính quyền đã hoạch định 36 tên phố để sẵn sàng cho những tuyến phố sẽ được mở về phía Đông.
Trong kháng chiến chống Pháp, vào tháng 9.1947, chính quyền cách mạng đã sáp nhập các khu phố để hình thành liên khu I và liên khu II. Chính quyền cũng cho nhập các thôn Xuân Quang (nay là phường Ngô Mây và một phần phường Nguyễn Văn Cừ), Xuân Vân, Quy Hòa (nay là phường Ghềnh Ráng) thành xã Hòa Quang, thuộc huyện Tuy Phước; đến tháng 3.1948 đổi tên thành xã Phước Tấn. Đến tháng 6.1950, chính quyền cho nhập xã Phước Tấn của huyện Tuy Phước vào TP Quy Nhơn. Đến năm 1951, chưa hiểu vì lý do gì, hội nghị đô thị của Liên khu V lại công nhận Quy Nhơn là… thị xã. Lúc này, cùng với 2 liên khu đã có, TX Quy Nhơn có thêm 2 khu mới, gồm: Khu VI Đông (gồm Xuân Vân, Quy Hòa) và khu VI Tây (Xuân Quang). Từ khi trở lại tổ chức hành chính cấp thị xã, ủy ban hành chính kháng chiến các cấp từ khu cho đến thị xã ở Quy Nhơn tồn tại đến cuối cuộc kháng chiến chống Pháp (1954).
Dưới thời chính quyền Việt Nam cộng hòa, theo Điều 3 Sắc lệnh số 113/SL/NV ngày 30.9.1970 của Thủ tướng Chính phủ, TX Quy Nhơn chia làm 2 quận Nhơn Bình và Nhơn Định với tổng cộng 16 khu phố (đáng lưu ý xã Phước Tấn thuộc quận Nhơn Bình). Theo dòng chảy thời gian, ký ức về các khu III, khu IV, khu V của Quy Nhơn bị chìm vào quên lãng. Trong khi đó, 2 liên khu I và II bị gọi giản tiện lại chỉ còn là “khu” - khu I và khu II. Cùng với đó, người ta cũng ráp khu VI Đông và khu VI Tây lại và gọi gọn là khu VI. Dấu vết còn lại đến nay chỉ còn những vệt mờ như: Chợ khu I, chợ khu II, chợ khu VI.
Cách sinh ra và mất đi của các khu ở Quy Nhơn phần nào cho ta thấy được tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của thành phố khi các khu III, khu IV đã hòa lẫn trong các khu phố hiện đại. Khu như một đoạn trung chuyển nhẹ nhàng từ làng lên phố. Khi xuất hiện đường phố mới, người ta định hình không gian đô thị chính xác hơn theo giới cận đường phố. Hơn nữa, tuy khu V có quyết định hành chính rõ ràng nhưng nó thuộc về Hưng Thạnh với đồng muối, ao đìa mênh mông do đó nó vẫn cứ gần gũi với nguyên bản làng quê, và vì thế tên gọi Hưng Thạnh được sử dụng nhiều hơn. Nói cách khác thực tế đời sống không chấp nhận cái tên khu V, do đó nó bị đào thải. Sự tồn tại tên các khu I, khu II, khu VI với thời gian, có lẽ không phải là ngẫu nhiên mà nó gắn kết với nở nồi của đô thị vừa theo hướng Đông ra biển, vừa theo hướng Tây về phía núi đồng thời lải về phương Nam. Khu vực này chưa có nhiều đường phố và nhiều tuyến đường mới cũng chưa có tên đặt nên khi xác định vị trí, không gian, khu vực đô thị, cư dân địa phương dễ dàng sử dụng khái niệm khu. Ví dụ: Khu I xóm Tấn, xóm Giã; khu II chợ Cháo, về khu VI Xuân Quang hoặc Xuân Vân… Điều này còn mãi cho đến những năm 80 của thế kỷ XX, chỉ nhạt dần vào đầu thế kỷ XXI.
Nếu tính từ năm 1898 đến nay Quy Nhơn có 122 năm tuổi. Với một đô thị thì Quy Nhơn còn là một đô thị non trẻ. Nhưng nếu hình dung theo những tên gọi, từ làng Chánh Thành, làng Cẩm Thượng, làng Hưng Thạnh đến các đường phố như hôm nay sẽ thấy Quy Nhơn phát triển từ “làng lên phố” nhanh đến như thế nào.
HOÀNG BÌNH