Ở cuối dòng sông Côn
● Tạp bút của TRẦN VĂN THIÊN
Quê tôi ở ven đầm Thị Nại, cuối dòng sông Côn, nơi nước chuyển màu trước khi ra biển lớn. Sau mẹ cha, hình ảnh thường xuyên hiển thị trong trí nhớ tôi là lưu vực bao la xanh ấy.
***
Tôi đứng chênh vênh ở bờ bên này mùa hạ mà mãi nhìn hun hút về phía bờ bên kia, nơi có khoảng trời tuổi thơ trong veo khúc đồng dao ngọt ngào. Giữa hai bên bờ thời gian là dòng đời trôi mải miết, chìm dưới đáy sâu là vô vàn kỷ niệm. Đôi lần bật khóc khi bất chợt nhớ những đồi cát ken dày dương liễu xanh ngăn ngắt sau làng. Tôi ở khoảng sân vuông dưới gốc mận già trước nhà ngoại, hay chỉ giản đơn là một vệt mủ chuối trên lưng áo mỏng manh... Đó là lúc tôi thấy mình bé nhỏ trong mênh mông quê nhà.
Trưa mùa hạ đứng giữa cánh đồng thương nhớ, bỗng thấy mình quay về làm cậu bé tuổi mười ba. Thấy mình tếu táo đội úp chiếc lá môn lên đầu, miệng liến thoắng nhái lại tiếng con chim chìa vôi viền trắng cánh đen, đang đậu vắt vẻo trên cành cây trứng cá. Tôi trốn ngủ trưa nhảy chân sáo ra vườn, nhặt quả sầu đâu khô rụng đầy dưới gốc cây, hái trái dâu tằm chín mọng dọc hàng rào dương liễu. Những quả dâu tằm cỡ ngón tay cái, trái màu đỏ thẫm, trái màu tím đen lấp ló đầu cành. Chúng làm tôi liên tưởng đến chùm trứng li ti của ốc bươu vàng, mà tôi hay gặp trên cánh bèo tây mọc lúp xúp dọc triền đê đất lở. Nghe lao xao tiếng hót của họ hàng nhà chim hòa vào dàn đồng ca mùa hạ. Những chú chim sâu bé xíu lích rích chuyền cành, vô tình làm cánh hoa khế tim tím theo gió rụng xuống thảm lá khô.
Tranh của họa sĩ DZUNG HUY NGUYEN
Buổi trưa hè, nắng phóng khoáng đổ xuống thửa đất trồng mè đen trước nhà, luồn lách hong khô nong đậu phộng mẹ phơi trên mái ngói. Tôi đem chiếc võng bộ đội của cha ra mắc trước hiên nhà, nằm phe phẩy cái quạt nan ngóng đợi những đợt gió đồng ùa vào. Luồng khói nắng dịu dàng rọi qua vách thưa in bóng xuống nền gạch loang lổ rêu xanh, vô vàn hạt bụi đất li ti bay quanh lấp lánh. Tôi nằm đợi một tiếng rao quen thuộc: “Nhôm nhựa... bán mua...!” từ cô Thắm ve chai cọc cạch đạp xe ngang qua nhà. Buổi sáng tôi cùng đám bạn đã dạo quanh khắp làng để tìm nào vỏ lon, chai lọ, nào cánh quạt gãy, giấy vụn... rồi dồn hết vào bao, chờ đến trưa đem bán. Chiếc xe đạp cũ mòn chở đồ lỉnh kỉnh trên con đường đất gập ghềnh, cô gồng mình đạp từng guồng quay mà mồ hôi rơi ướt ròng manh áo mỏng. Những lúc như thế, tôi chỉ ước giá như trời bớt nắng để cô đỡ nhọc nhằn...
Tôi vuốt lại cho phẳng những tờ tiền lẻ một ngàn, hai ngàn thu được từ mớ ve chai, rồi lại nằm xuống võng chờ đợi. Lần này tôi chờ một tiếng rao khác, nó cũng cất lên lẻ loi rồi lọt thỏm giữa trưa hè lặng thinh, như tiếng rao của cô đồng nát mang đôi bao tay lấm lem đất bụi. “Ai đậu hũ đây...”, tiếng rao vang lên giọng trầm khắc khoải. Nhìn về phía cuối đường, thấp thoáng một dáng người nhỏ bé tất tả bước giữa cái nắng chói chang, đôi quang gánh cũ kỹ cong xuống trĩu nặng nỗi mệt nhọc. Thế là tôi vội vàng xuống bếp lấy cái chén đất cầm ra trước nhà, mua một chén đậu hũ từ tiền bán ve chai lúc nãy. Bà Tư nhìn tôi cười hiền, khóe mắt in đậm dấu chân chim. Bàn tay bà tảo tần đặt quang gánh xuống, vén tấm vải mỏng phủ trên cái chum đất đựng lớp đậu hũ trắng ngần, thơm dịu. Bà đội cái nón lá sờn vành bạc màu, gót chân nứt nẻ mang đôi dép cao su nắng mưa đã mòn đáy. Tiếng rao trưa buồn tênh vang mãi trong tôi đến tận bây giờ...
Tôi nhớ những trưa hè ra trước thềm nhà, cặm cụi giúp mẹ xỏ chỉ luồn kim. Nhớ làm sao dáng mẹ ngồi lam lũ, đôi bàn tay sần chai rám nắng tỉ mẩn khâu vá áo quần cho đàn con thơ sau buổi làm đồng vất vả. Nhớ từng tấm áo, chiếc quần lành lặn với những mũi chỉ đường kim khéo léo, như gửi trọn vào đó tình mẹ ấm áp bao la. Những đường chỉ mẹ khâu đã dệt nên khoảng trời ấu thơ êm đềm, đan thành nỗi nhớ tựa chiếc cầu bắc qua đưa bước chân tôi về lại chốn cũ. Dòng đời âm thầm cuốn theo tất cả, để khu vườn mùa hạ ngày xưa đâu còn, những tiếng rao trưa da diết mất hút giữa ồn ã thanh âm của cuộc sống thường nhật. Tóc mẹ lưa thưa sợi trắng, bàng bạc nỗi đa đoan của đời người trắc trở...
Tôi đứng phía bên này bờ thời gian, lòng ước được gặp chuyến đò trôi ngược dòng về lại thơ ấu. Dẫu biết rằng, năm tháng hững hờ có đợi ai bao giờ... Quê tôi ở ven đầm Thị Nại, cuối dòng sông Côn, tôi yêu quê tôi và nhiều khi có cảm giác nước sông miên man chảy trong lồng ngực, nghe như có một chòm rễ lục bình lững lờ trôi vuốt qua mặt mình!