Gắn giáo dục chính trị với thực tiễn sinh động
Ðể có được đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, điều nhất thiết đầu tiên là phải coi trọng công tác giáo dục chính trị, bồi đắp lý tưởng cách mạng. Nhiệm vụ này ở các nhà trường cần được đổi mới, gắn với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.
Tăng cường tương tác
Trường Chính trị tỉnh được giao nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ các cấp trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, bên cạnh nhiều kết quả nổi bật, công tác giảng dạy lý luận chính trị vẫn còn mặt hạn chế, bất cập. Chương trình, nội dung các môn học tuy đã được đầu tư điều chỉnh, đổi mới, nhưng hiện nay đã có biểu hiện bị khô cứng, lạc hậu so với thực tiễn sinh động, chưa tạo sự hấp dẫn đối với người học. Nội dung một số bài giảng chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng người học là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý rất đa dạng về nghề nghiệp, chuyên môn, vị trí công tác.
Cần tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
- Trong ảnh: Trường Chính trị tỉnh bế giảng một khóa đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
“Đặc biệt, việc lồng ghép, gắn lý luận với thực tiễn nói chung và thực tiễn ở Bình Định nói riêng trong các bài giảng còn ở mức độ khiêm tốn. Một số bài giảng vẫn thiên về thuyết trình một chiều, sự tương tác giữa người dạy và người học chưa đồng đều, đôi khi chỉ mang tính hình thức. Việc khai thác các phương tiện kỹ thuật phục vụ giảng dạy và học tập còn hạn chế; có trường hợp sử dụng máy chiếu chỉ để thay cho viết bảng”, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Trần Hoài Sơn nhận định.
Một ví dụ điển hình, có giảng viên dẫn văn bản rất cũ của tỉnh liên quan đến người hoạt động không chuyên trách, trong khi Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, mức khoán kinh phí hoạt động đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện hơn một năm.
Thực tế đó đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; gợi mở, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, đối thoại có trách nhiệm giữa giảng viên và học viên, kết hợp với ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại. Yêu cầu cụ thể là giảm thời gian thuyết trình của giảng viên (còn tối đa 75% tổng thời gian tiết học), còn lại dành cho trao đổi, thảo luận. Giảng viên lên lớp bắt buộc phải soạn bài trên phần mềm trình chiếu (Power Point), thường xuyên trao đổi, tương tác với học viên qua email, qua phần mềm quản lý đào tạo.
Bên cạnh đó là từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cả về tư tưởng, đạo đức và trình độ chuyên môn. Muốn giảng dạy tốt môn học về tư tưởng chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng cho người học là cán bộ, đảng viên, trước hết người giảng viên phải tự tu dưỡng, tự “nâng cấp” bản thân theo yêu cầu của thời đại.
Gợi mở, tạo hứng thú
Bên cạnh đào tạo lý luận chính trị dành cán bộ, công chức, hoạt động giảng dạy cho học sinh, sinh viên cũng cần có những thay đổi. Nhiều thế hệ sinh viên tại Trường ĐH Quy Nhơn ấn tượng với môn Lịch sử Đảng do PGS.TS Hồ Xuân Quang giảng dạy. Chỉ riêng sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước hay nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, cuộc vận động thành lập Đảng…, bài giảng của thầy Quang luôn cuốn hút, khiến nhiều sinh viên thích thú với những xúc cảm dâng trào.
“Tôi quan niệm rằng, với sinh viên bậc đại học, giảng viên không chỉ đơn giản là người cung cấp kiến thức với những dữ kiện khô cứng, rời rạc. Người thầy phải truyền cảm hứng cho người học, lý giải ý nghĩa của từng sự kiện lịch sử, khơi gợi hứng thú bằng chính sự trải nghiệm, liên hệ thực tiễn; từ đó gợi mở, dẫn dắt các em tiếp tục tìm tòi, tham khảo để nắm bắt sâu hơn từng vấn đề cụ thể. Phải gắn kết hài hòa, chân thực các mục tiêu kiến thức, năng lực, thái độ cho người học qua từng đơn vị kiến thức, bài giảng lý luận chính trị”, PGS.TS Hồ Xuân Quang chia sẻ.
Không chỉ các giờ lên lớp mà hoạt động ngoại khóa, đi thực tế cũng cần được đổi mới theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng, tránh hình thức, tốn kém. Hiện nay Trường ĐH Quy Nhơn có hơn 11.000 sinh viên, hơn 60% trong số đó có hộ khẩu ở Bình Định. Theo thầy giáo Lê Văn Lợi - phụ trách môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, đây là điều kiện rất thuận lợi để khai thác yếu tố “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” vào việc giảng dạy. Những địa danh, những di tích được nhắc đến trong bài giảng rất quen thuộc, thậm chí, có sinh viên còn ở ngay nơi mà Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành từng đến.
“Việc cho sinh viên khảo sát, nghiên cứu các di tích liên quan đến Nguyễn Tất Thành ở Bình Định làm cho môn học trở nên gần gũi, gắn với thực tiễn hơn. Các em thấy rằng, đất và người Bình Định đã góp phần hình thành nhân cách và tinh thần yêu nước, chí hướng cách mạng của Hồ Chí Minh. Từ đó, tạo ra ở các em niềm tự hào về quê hương và lý tưởng cách mạng”, thầy Lợi phân tích.
MAI LÂM