An Lão định hướng phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu
Huyện An Lão đang triển khai nhiều mô hình để bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hướng đến phục vụ phát triển du lịch, góp phần ổn định cuộc sống người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện An Lão hiện có hơn 60.200ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó hơn 22.600 ha đất rừng đặc dụng, hơn 23.800 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Huyện thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, với định hướng trọng tâm là tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững.
Người dân huyện An Lão đã chuyển đổi mô hình trồng rừng sang trồng cây ăn quả tại các vùng đồi thấp để tăng hiệu quả kinh tế.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện AnLão Đỗ Tùng Lâm, huyện đẩy mạnh rà soát, quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp để giao đất, cấp sổ đỏ cho tổ chức, cá nhân trồng rừng, đảm bảo diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tiến tới xây dựng mô hình khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư. Khuyến khích DN liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn, xây dựng chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC)… “Huyện đã ban hành tiêu chí thực hiện mô hình nông lâm kết hợp, lồng ghép các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135… để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế trang trại lâm nghiệp, như nuôi heo đen dưới tán rừng, chăn thả gà vườn, gà đồi ở các xã An Quang, An Trung, An Hưng; trồng cây hà thủ ô đỏ dưới tán rừng tại xã An Toàn; trồng cây ăn quả cùng với trồng rừng… để hướng đến phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu gắn với phát triển du lịch”, ông Đỗ Tùng Lâm cho biết.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ rừng và PCCC rừng, huyện An Lão khuyến khích người dân chuyển đổi một số diện tích đất rừng ở chân đồi, vùng thấp sang trồng cây hồ tiêu, cây ăn quả để tăng giá trị kinh tế. Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Long Hòa, xã An Hòa, trồng 3 ha rừng keo lai theo chu kỳ gỗ lớn từ 9 - 10 năm mới khai thác. Năm 2018, sau khi khai thác 1 ha keo, anh Tuấn chuyển diện tích này sang trồng 180 cây bưởi da xanh, 100 gốc dừa và lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Anh Tuấn vui vẻ cho biết: “Tính ra trên cùng một diện tích, nếu mình trồng keo chu kỳ gỗ nhỏ cũng từ 5 - 6 năm mới khai thác, nhưng trồng cây ăn quả thì 4 năm đã khai thác được rồi, thu nhập lại cao gấp nhiều lần so với trồng keo. Đến nay, vườn cây ăn quả của tôi đã trồng được hơn một năm rưỡi...”. Còn vợ chồng anh Đinh Văn Hơn, ở thôn 4, xã An Quang, vừa tham gia nhận khoán bảo vệ rừng vừa trồng rừng sản xuất, đồng thời tận dụng địa thế dưới chân núi để làm chuồng trại chăn nuôi heo đen, dê, bò để tăng thu nhập.
Mục tiêu trong chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của huyện An Lão là tạo sinh kế cho người dân từ khai thác tài nguyên rừng và đất rừng. Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, chia sẻ: “Vùng cao xã An Toàn có khí hậu ôn đới, mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, trong tương lai khi được đầu tư để khai thác du lịch thì sẽ góp phần cải thiện hơn đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Tại đây, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) đang triển khai dự án trồng thử nghiệm dược liệu sạch trên diện tích hơn 3 ha. Cuối năm 2019, đơn vị chúng tôi cũng trồng thử nghiệm cây dược liệu hà thủ ô đỏ trên diện tích 2.000 m2, mô hình thành công thì sẽ được nhân rộng, hỗ trợ giống cho người dân trồng”.
Năm 2020, huyện An Lão triển khai khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 300 ha mây tự nhiên tại xã An Vinh, An Toàn; bảo vệ và phát triển 1,9 ha cây chè tự nhiên tại xã An Toàn; khoanh nuôi bảo vệ theo chuỗi giá trị 400 ha sim tại xã An Quang, An Toàn; trồng thử nghiệm cây sâm đá, trồng keo lai kết hợp cây sao đen ở một số nơi.
Đưa chúng tôi vào khu vực khoanh nuôi tái sinh mây, chỉ vào những cây mây tỏa lá sum suê dưới tán rừng cổ thụ, ông Đinh Văn Lý, già làng thôn 2, xã An Toàn, cho hay: “Cả thôn có 85 hộ nhận khoán bảo vệ rừng với mức 400 nghìn đồng/ha/hộ/năm. Bà con còn được khoán khoanh nuôi tái sinh 50 ha mây tự nhiên với mức 2 triệu đồng/ha/hộ/5 năm. Chúng tôi vừa giữ rừng vừa khai thác lâm sản dưới tán rừng, nhất là cây mây được tái sinh. Đến chu kỳ khai thác mây thì bà con có thu nhập cao hơn”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN