Thu hồi nợ vay “tàu 67”, hạn chế nợ xấu gia tăng
(BĐ) - Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, cho biết, trên cơ sở dự báo kế hoạch thu hồi nợ vay của các chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (thường gọi là “tàu 67”), ngày 4.6, UBND tỉnh đã ra quyết định ban hành kế hoạch thu hồi nợ cho vay theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngân hàng TMCP trong tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ các ngân hàng TMCP thu hồi nợ vay “tàu 67”, hạn chế nợ xấu gia tăng. Đánh giá tình hình khai thác thủy sản, thu nhập của ngư dân để phân loại nợ vay và các biện pháp thu hồi nợ vay của ngân hàng đã áp dụng để có giải pháp thu hồi nợ vay phù hợp đối với từng chủ tàu, nhằm tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục hành nghề và ngân hàng thu hồi nợ.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thực hiện Nghị định 67, các ngân hàng TMCP trong tỉnh đã cho 62 chủ tàu được vay 921 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp tàu cá. Tính đến cuối tháng 3.2020, tổng dư nợ cho vay là 865 tỷ đồng; có 48 chủ “tàu 67” nợ quá hạn 266 tỷ đồng (126 tỷ đồng tiền gốc, 140 tỷ đồng tiền lãi). Bên cạnh những chủ tàu trả nợ vay đúng cam kết, có một số chủ tàu đánh bắt có lãi nhưng cố tình lãng tránh nghĩa vụ trả nợ vay cho ngân hàng, dẫn đến tình trạng nhiều chủ tàu khác so bì và không muốn trả nợ, từ đó phát sinh tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn trong thời gian qua.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 54/61 “tàu 67” hoạt động khai thác thủy sản (còn lại 4 tàu bị chìm, 3 tàu làm dịch vụ hậu cần nằm bờ). Trong số 54 “tàu 67” đang hoạt động, có 38 tàu có lãi, 11 tàu hòa vốn, 5 tàu thua lỗ, hiệu quả thấp.
NGỌC NHUẬN