Không để sốt xuất huyết, Zika bùng phát
Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh do vi rút Zika gây ra và không để dịch bùng phát, lan rộng là yêu cầu cấp bách của UBND tỉnh đối với ngành y tế và các địa phương.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 5.6, toàn tỉnh ghi nhận 2.058 ca mắc sốt xuất huyết Dengue (SXH) tại 120/159 xã, phường, thị trấn; trong đó có 1 ca tử vong tại TP Quy Nhơn. 118 ổ dịch đã được điều tra, xử lý. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo: “Các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika, bệnh SXH nhằm ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát của dịch; triển khai mạnh mẽ, tích cực chiến dịch diệt bọ gậy, đảm bảo tất cả hộ gia đình tại vùng có nguy cơ đều phải được kiểm tra, giám sát…”.
Kiểm tra, giám sát, diệt bọ gậy tại Hải Minh (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn).
Khu vực Hải Minh (KV 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) có hơn 410 hộ dân. Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, nước nhiễm phèn, nhiễm mặn nơi đây buộc người dân phải mua trữ nước, tranh thủ hứng nước mưa vào các bể để sử dụng, rất dễ tạo ổ bọ gậy sinh muỗi gây bệnh SXH. Ngày 5.6, cùng với lực lượng y tế địa phương, khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT TP Quy Nhơn) ra quân giám sát, diệt bọ gậy tại Hải Minh. “Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ”, các nhóm đã hướng dẫn người dân cách phát hiện và xử lý bọ gậy; kết hợp tuyên truyền phòng, chống SXH.
Kết quả kiểm tra cho thấy, gần như dụng cụ chứa nước của tất cả hộ dân ở đây đều có bọ gậy. Bà Nguyễn Thị Hạ Huyên (ở Hải Minh Trong) nói: “Nguồn nước ngọt khan hiếm nên bà con phải chở nước chứa vào bể, thùng. Thường mỗi đợt mua nước sử dụng trong 2 - 3 ngày, lắm khi quên không đậy nắp cẩn thận là có bọ gậy ngay”.
Hải Minh là một trong 5 vùng nguy cơ cao SXH ở TP Quy Nhơn (các vùng còn lại là xã Nhơn Châu, xã Nhơn Hải, KV 1, 2 của phường Ghềnh Ráng) đang được tập trung chiến dịch xử lý bọ gậy. Bác sĩ Lê Văn Chiến, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT TP Quy Nhơn), cho biết, nguy cơ dịch SXH đến từ việc người dân trữ nước để sử dụng trong mùa nắng hạn. Thành phố hiện có hơn 310 ca SXH tại 20/21 phường, xã, và 18 ổ dịch. Trong tháng 6 này, cơ quan chức năng sẽ tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy toàn thành phố để chủ động phòng chống SXH.
Nhân viên y tế tuyên truyền phòng, chống SXH tại nhà người dân.
Tại TX An Nhơn, đã có 257 ca SXH. Sau thời gian “hạ nhiệt”, từ tháng 5 đến nay SXH có xu hướng tăng tại địa phương do các đợt mưa xen kẽ ngày nắng nóng, muỗi vằn phát triển mạnh. Đầu tháng 6 này, toàn thị xã tổ chức chiến dịch ra quân diệt bọ gậy. “Công tác diệt bọ gậy ở nhiều địa phương chưa được duy trì thường xuyên, còn tư tưởng trông vào phun hóa chất diệt muỗi phòng chống dịch. Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng, đặc biệt ở trường học”, Phó Giám đốc TTYT TX An Nhơn Cao Văn Bảy cho hay.
Cùng với SXH, việc xuất hiện ca bệnh Zika tại TP Đà Nẵng cũng đặt yêu cầu cấp bách cho tỉnh Bình Định trong phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika gây ra. Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khẳng định: “Để phòng ngừa, ngăn chặn lây lan dịch bệnh SXH, Zika, cái gốc là phải diệt bọ gậy và muỗi sinh ra bọ gậy. Bởi chỉ trong vòng 1 - 2 tuần, bọ gậy đã thành muỗi và tiếp tục lây bệnh dịch. Yếu tố quyết định ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh là phải thực hiện xuyên suốt quan điểm “phòng” hơn “chống”. Để loại trừ bọ gậy, phải bắt đầu ngay từ chính mỗi người dân, mỗi gia đình, chứ không thể chỉ trông chờ vào ngành Y tế hay chính quyền địa phương…”.
Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu TTYT cấp huyện tham mưu UBND cùng cấp lập kế hoạch triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch. Chủ động công tác truyền thông trước mùa dịch, huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia phòng, chống dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh: “Quan trọng là giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt bọ gậy, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân chủ động tham gia”.
Chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu
Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền, ngoài ra có bằng chứng cho thấy vi rút này có thể lây truyền qua đường máu, tình dục và mẹ truyền cho con. SXH, bệnh do vi rút Zika và Chikungunya có biểu hiện triệu chứng lâm sàng tương tự nhau và chủ yếu lây truyền qua muỗi Aedes.
Muỗi Aedes hoạt động và hút máu vào ban ngày, cao điểm là vào sáng sớm và chập choạng tối, có 2 loài truyền bệnh chính: Ae.aegypti chủ yếu sống ở trong nhà, đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước như xô, chậu, chum, vại, bể nước, lốp xe hỏng, chậu cây cảnh, bình cắm hoa, chén bát bể, máng/chậu nước cho gia súc, gia cầm uống...; còn Ae.albopictus lại thích sống ngoài vườn, ở các lùm cây, ổ sinh sản là những hốc cây, ống tre nứa, dụng cụ chứa nước ngoài vườn...
Người mắc vi rút Zika có biểu hiện sốt, phát ban, đau cơ, nhức đầu, đau mắt, tuy vậy khoảng 80% trường hợp nhiễm không có triệu chứng. Hầu hết trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn, nhưng đáng chú ý là hiện đã gia tăng đáng kể trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh tại những khu vực có dịch bệnh do vi rút Zika lưu hành.
Bệnh SXH và Zika chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tránh bị muỗi đốt; thau rửa thường xuyên và đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt hay phục vụ chăn nuôi, vệ sinh thu gom các vật thải có thể chứa nước để làm giảm nơi sinh sản của muỗi Aedes.
MAI HOÀNG