Khoanh nợ, xóa nợ chậm nộp theo Nghị quyết số 94: Chủ động, thận trọng và chính xác
Thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 (Nghị quyết số 94) của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, đến nay Cục Thuế tỉnh đã rà soát bước đầu đối với người nộp thuế có số nợ thuế khó thu tính theo số nợ đến hết ngày 31.12.2019. Kết quả, tổng nợ khó thu toàn tỉnh là 829 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 503 tỷ đồng, nợ chậm nộp là 326 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 94, các chi cục thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh tư vấn cho người nộp thuế tại địa phương.
- Trong ảnh: Cán bộ bộ phận một cửa Chi cục thuế khu vực Tuy Phước - Vân Canh hỗ trợ cho người nộp thuế.
Chủ động đi trước một bước
Ngành Thuế tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các chi cục thuế trực thuộc, tư vấn cho người nộp thuế về Nghị quyết số 94. Theo quy định khi Luật Thuế sửa đổi có hiệu lực, dựa trên số nợ thuế đến ngày 30.6.2020 (khoảng 20.7 mới khóa sổ để xác định tổng số nợ này) các đơn vị mới thực hiện rà soát hồ sơ. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh chọn giải pháp chủ động trước một bước. Căn cứ vào số nợ thuế đến hết cuối năm 2019, đơn vị tiến hành rà soát bước 1; đồng thời lên phương án cho các bước tiếp theo. Tính toán của Cục Thuế tỉnh, ngay khi Luật quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính ban hành, Cục Thuế tỉnh ráp vào là triển khai ngay, dự kiến khoanh nợ, xóa nợ đợt 1 khoảng 62%. Phấn đấu đến hết 31.12.2020, hoàn thành công tác khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94, chấm dứt tồn đọng về nợ thuế bấy lâu nay.
Ông Nguyễn Văn Cổn, Trưởng phòng Quản lý nợ & cưỡng chế nợ thuế - Cục Thuế tỉnh, cho biết, việc tính toán khoanh nợ thuế, xóa nợ thuế không phải mới. Trước khi có Nghị quyết số 94, vấn đề này đã được ngành Thuế và Bộ Tài chính đưa lên bàn “nghị sự” rất nhiều lần. Đến nay, vấn đề đã được Quốc hội phê chuẩn, sẽ có hiệu lực từ tháng 7.2020. Trong thời gian tới, để làm rõ hơn các vấn đề nêu ra trong Nghị quyết số 94, Bộ Tài chính sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể. Theo quy định tại Nghị quyết số 94, quá trình thực hiện trong thời gian 3 năm. Chúng tôi xác định phải chủ động đi trước, tránh bị động dồn việc khi các chỉ đạo chính thức có hiệu lực, đó mới là tạo điều kiện cho người nộp thuế. Nợ thuế bị treo là vấn đề nan giải của ngành thuế tỉnh đã nhiều năm qua. Chính vì không thu được nhưng vẫn cứ phải tính nên số nợ ảo rất lớn. Đến cuối năm, số nợ thuế bị đẩy lên cao - dù không còn khả năng thu hồi nữa nhưng số liệu ấy sẽ làm ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý và điều điều hành thu chi ngân sách của địa phương.
Thận trọng và chính xác
Theo Cục Thuế tỉnh, từ năm 2007, ngành Thuế áp dụng hệ thống quản lý thuế tập trung, hồ sơ từ thời điểm ấy đến nay là đầy đủ, chính xác. Do đó, trong tổng số nợ dự kiến khoanh nợ, xóa nợ đợt 1 là 62% đều thuộc vào nhóm đối tượng có đầy đủ dữ liệu, hồ sơ để triển khai. Tính toán của Cục Thuế tỉnh, có từ 5 -10% hồ sơ thuộc vào nhóm đối tượng “cảnh báo” phải hết sức thận trọng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Để đảm bảo triển khai kịp thời và chính xác, cùng với rà soát, ngành Thuế xây dựng giải pháp phối hợp liên ngành trong quá trình triển khai. Những hồ sơ rơi vào nhóm đối tượng khoanh vùng, Cục Thuế sẽ trình UBND tỉnh, Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cùng giám sát thực hiện.
Ông Đào Hữu Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo ngành Thuế triển khai Nghị quyết số 94, phân tích: Nhóm đối tượng khoanh vùng rơi vào nhóm hồ sơ không đầy đủ (từ năm 2007 trở về trước), trong đó có những khoản nợ thuế dài hơn tuổi đời của cán cán bộ quản lý thuế. Do đó, quá trình đối chiếu, xác minh hồ sơ này cần nhiều thời gian, thận trọng từng bước một. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, vượt quá khả năng, thẩm quyền của Cục Thuế, chúng tôi trình lên UBND tỉnh, Tổng cục Thuế xem xét. Để chính sách thực sự hiệu quả, người thực hiện phải đảm bảo được minh bạch, chính xác và công khai.
THU DỊU