XÉT TUYỂN VÀO ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG NĂM 2020:
Nhiều trường sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Năm nay, kỳ thi có một số thay đổi khiến học sinh, phụ huynh không khỏi băn khoăn. Cùng với những thông tin, hướng dẫn chi tiết về kỳ thi của Bộ GD&ÐT, Sở GD&ÐT vừa phối hợp với Báo Giáo dục TP Hồ Chí Minh tổ chức tư vấn “Tiếp bước trường thi” để hỗ trợ cho các em.
Học sinh đặt câu hỏi ở chương trình tư vấn “Tiếp bước trường thi”.
Những điểm mới
Tại hội nghị trực tuyến về kỳ thi tốt nghiệp THPT mới đây, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết: “Do ảnh hưởng dịch bệnh nên năm nay Bộ GD&ĐT chuyển từ kỳ thi THPT quốc gia sang kỳ thi tốt nghiệp THPT. UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ về kỳ thi, Bộ chỉ ra quy chế, tập huấn, hướng dẫn, ra đề, cung cấp phần mềm và kiểm tra các khâu của kỳ thi. Hơn nữa, năm nay, các trường đại học, cao đẳng không thực hiện công tác coi thi mà tham gia vào quá trình thanh tra. Đặc biệt, sau khi công bố điểm thi sẽ thực hiện đối chiếu, so sánh với kết quả học tập bậc THPT để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi”.
Ðể chọn được ngành, nghề phù hợp, Th.S Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh, Trường ÐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cho hay: Ðầu tiên phải xác định được phẩm chất, năng lực của bản thân, nếu chọn đúng sau này các em không phải quá vất vả. Thứ hai, các em nên tham chiếu từ người thân để biết được hào quang và khoảng lặng của ngành nghề đó, nếu có cơ hội thì hãy trải nghiệm về ngành nghề mình định chọn, đồng thời tìm hiểu kỹ ngành, nghề và thị trường lao động. Hãy chọn theo thứ tự: Nghề nghiệp, công việc -> ngành -> bậc học -> trường -> phương thức xét tuyển, ông Nguyên gợi ý.
Dù kỳ thi thay đổi nhưng đa số các trường đại học, cao đẳng vẫn dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng học sinh và thời gian tuyển sinh, thay vì xét tuyển điểm học bạ lớp 12, nhiều trường thực hiện xét tuyển học bạ 5 học kỳ (tức từ học kỳ 1 lớp 10 đến học kỳ 1 lớp 12).
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chuyên gia của chương trình “Tiếp bước trường thi”, cho biết: Phương thức xét tuyển ở các trường rất đa dạng, tuy nhiên tựu trung có 3 phương thức phổ biến nhất, gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm học bạ, xét tuyển qua kỳ thi đánh giá năng lực của các trường. Trong số này, hiện nay phương thức xét tuyển học bạ là thuận tiện nhất, học sinh tham gia xét tuyển sớm biết kết quả. Nhiều trường đã bắt đầu xét tuyển học bạ từ hồi tháng 3 và một số đã công bố kết quả. Còn ở phương thức xét tuyển qua kỳ thi đánh giá năng lực, hiện có 2.000 học sinh lớp 12 ở Bình Định đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh. Kỳ thi sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 8.2020.
Bên cạnh các thông tin về kỳ thi, các giáo viên cũng thông tin về những đổi mới trong Luật Giáo dục 2019. Theo đó, Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực từ tháng 7.2020, quy định: Giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên trở lên. Các thí sinh nên lưu ý những thay đổi này nếu muốn theo nghề dạy học. Đồng thời, những học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông mà không có nhu cầu thi tốt nghiệp hoặc thi không đạt sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Tuy nhiên, đại diện các trường cũng lưu ý, với giấy chứng nhận này, các em chỉ có thể đăng ký vào các trường giáo dục nghề nghiệp hoặc hệ trung cấp, các trường đại học, cao đẳng sẽ chỉ xét tuyển những thí sinh có bằng tốt nghiệp THPT.
Đại diện giáo viên các trường tham gia tư vấn cho các em.
Điểm chuẩn trúng tuyển sẽ cao
Ông Nguyễn Đức Nghĩa cho biết thêm: Theo thông tin của Bộ GD&ĐT, đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và đây là chương trình đã được giảm tải vì dịch bệnh Covid-19, đồng thời, đây là kỳ thi để tốt nghiệp THPT nên hẳn đề thi sẽ dễ hơn. Dù vậy, khi dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học, cao đẳng thì đề dễ hay khó không quan trọng mà quan trọng ở độ phân hóa, các em ở mức điểm nào để có thể chọn được ngành, được trường mình yêu thích. Dự báo điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường sẽ cao hơn năm ngoái.
Còn theo ông Trần Thiện Lưu, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh: Thời gian kết thúc năm học chậm hơn những năm trước nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc xét tuyển của các trường. Thực tế nhiều trường thực hiện xét tuyển 5 học kỳ đã có kết quả trúng tuyển. Bên cạnh đó, các trường phổ thông cũng đang tổ chức dạy và học theo chương trình giảm tải của Bộ, nếu nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực, lịch trình năm nay chậm một chút cũng tạo thuận lợi cho học sinh, đặc biệt là những em có ý thức tự giác. Các em có thời gian cân nhắc, tiếp cận ngành nghề, phương án tuyển sinh của các trường nhiều hơn.
Em Nguyễn Hoàng Anh Việt, học sinh lớp 12, Trường THPT Quốc Học Quy Nhơn, chia sẻ: Em thích ngành logistic nên sẽ tìm hiểu kỹ hơn về ngành này. Em biết bên cạnh ngành học cần nhân lực, để ra trường có được việc làm thì tiếng Anh và thái độ cầu thị cũng rất quan trọng. Còn bài vở em đã ôn xong bài từ tháng trước. Em thấy thời gian nghỉ học em học được rất nhiều qua lớp học trực tuyến, giải các bài tập trên internet và tự học giúp mình hiểu sâu và nhớ tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trân, TX Hoài Nhơn, chia sẻ: Dù là kỳ thi tốt nghiệp nhưng đa số các trường đại học dùng điểm thi để xét tuyển nên trường cũng tập trung dạy học đảm bảo kiến thức cho các em. Ngoài ra, trường sẽ xin ý kiến để tổ chức cho các em thi thử, từ đó biết các em thiếu gì để dạy thêm.
THẢO KHUY