Lo ngại nguồn vốn hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 8.6, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tiếp tục với đợt 2, các đại biểu (ĐB) họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Trong buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết quan trọng: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Sau đó, thảo luận một số nội dung khác tại hội trường.
ĐB Lê Công Nhường phát biểu thảo luận chiều 8.6.
Trong buổi chiều, các ĐB thảo luận ở tổ xung quanh Báo cáo về KT-XH và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...
ĐB Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) bày tỏ băn khoăn về các chỉ tiêu đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đáng chú ý, đến năm 2025 có 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương khoảng 9.800 xã) là quá cao. Bởi, để đạt chuẩn nông thôn mới phải cần đạt 19 chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu rất khó. Hơn nữa, kinh phí để xây dựng đạt nông thôn mới ở một xã đồng bằng đã đến 50 - 100 tỷ đồng. Để xây dựng điện - đường - trường - trạm đạt tiêu chuẩn ở 9.800 xã vùng đồng bào DTTS đòi hỏi khoản ngân sách khổng lồ.
ĐB Nhường cũng lo ngại về tổng vốn thực hiện Chương trình theo dự kiến lên đến 414.487 tỷ đồng. Trước mắt, nguồn vốn cho giai đoạn 1 (2021 - 2025) dự báo rất khó khăn, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến nguồn thu ngân sách càng hạn hẹp, Chính phủ phải thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm các khoản chi; cuối năm 2020 tiếp tục thông qua nghị quyết về miễn giảm thuế cho một số DN ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. “Ngân sách đâu để bố trí ngay từ năm 2021 khi khởi động Chương trình? Chúng ta phải xem xét, liệu cơm gắp mắm”, ĐB Nhường nói.
ĐB Nhường đặt ra yêu cầu cần rà soát sự cần thiết, dự báo hiệu quả, tránh trùng lắp giữa một số nội dung hỗ trợ, như hỗ trợ thiết bị nghe nhìn, thành lập và hoạt động các quỹ từ thiện... chưa thật sự cần thiết trong khi kinh phí hạn chế. “Đầu tư cho miền núi rất khó, cần cơ chế đặc biệt, không phải cứ nói là làm được. Như ở địa phương chúng tôi, việc kéo điện cho làng O2 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh) đến giờ vẫn chưa làm được, vì núi cao, đường xa trắc trở”, ĐB Nhường phân tích.
MAI LÂM