Khuyến khích nghề lưới rê
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), lưới rê là loại nghề khai thác thủy sản có tính chọn lọc với cấu tạo, kích thước mắt lưới tương ứng với loại cá đánh bắt, lưới được thả theo dòng nước, đánh bắt chủ yếu ở tầng nước nổi và tầng giữa, không ảnh hưởng đến tầng đáy; nên được tỉnh ta khuyến khích ngư dân chuyển đổi để hoạt động.
Cùng với nghề lưới vây ánh sáng, câu cá ngừ, câu mực…, lưới rê cũng là một loại nghề truyền thống của ngư dân Bình Định. Lưới rê gồm 2 loại là rê cước và rê ny lông, hoạt động theo cơ chế bị động, tức thả lưới trôi theo dòng chảy hoặc thả chắn ngang đường đi của các loài thủy sản, đánh bắt được ở vùng ven bờ, vùng lộng và cả vùng khơi. Lưới rê vùng ven bờ, vùng lộng thường được ngư dân chọn làm là loại lưới rê cước, chuyên đánh bắt tôm, cua, ghẹ, các loại cá nục, cá sòng, cá bạc má; còn lưới rê ny lông chủ yếu hoạt động ở vùng khơi đánh bắt cá chuồn, cá chù, cá ngừ sọc dưa, cá thu…
Lưới rê là loại nghề đánh bắt cá có tính chọn lọc theo cấu tạo mắt lưới nên được khuyến khích phát triển.
Nghề lưới rê có thể hoạt động quanh năm; trong đó, mùa đánh bắt chính bắt đầu từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Song, đối với lưới rê hoạt động vùng ven bờ bằng thuyền công suất nhỏ, thúng composite có gắn máy, thúng chai, thì ngư dân chia theo vụ đánh bắt.
Ngư dân Nguyễn Hữu Thiện, ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), chia sẻ: Nghề lưới rê nếu làm ở gần bờ thì vốn đầu tư cũng ít, tiền sắm lưới, thúng chai gắn máy hết thảy khoảng 40 triệu đồng là được. Mùa này, đánh bắt mực, ghẹ, cá chuồn, làm lai rai mỗi ngày cũng kiếm vài trăm nghìn đồng. Riêng mùa đông biển động, giá cá, mực cao hơn, sản lượng đánh bắt cao, thu nhập tăng lên. Chỉ cần 2 - 3 người là có thể ra khơi, gặp hôm trúng biển, mỗi người có thể kiếm được cả triệu đồng”.
“Nghề lưới rê cho dù hoạt động gần bờ hay xa bờ, khi lưới được thả xuống biển thì giống như “bức tường chắn”, làm ảnh hưởng đến đường di cư của các loài thủy sản, trong đó có các loài động vật biển quý, hiếm, như: Rùa biển, đồi mồi, cá heo… Bởi vậy, khi kéo lưới, nếu phát hiện động vật biển quý, hiếm mắc vào lưới thì bà con ngư dân giải cứu để thả chúng về với biển”.
TS TRẦN VĂN VINH (Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản)
Trong khi đó, những người có vốn thì sắm tàu lưới rê bài bản để có thể ra hoạt động ở vùng lộng, vùng khơi. Thậm chí một số người còn đầu tư lắp đặt nhiều trang thiết bị khai thác thủy sản hiện đại, giảm bớt sức người, tăng hiệu quả kinh tế. Ngư dân Văn Bá Sỹ, ở xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), chủ tàu lưới rê BĐ 94803-TS, bộc bạch: “Đặc thù của nghề lưới rê hoạt động ở vùng lộng là đánh bắt theo từng chuyến biển, mỗi chuyến thường kéo dài 5 - 7 ngày. Với kích thước lưới lớn, chiều dài lưới kéo dài 5 - 6 hải lý, như trước đây mình phải có 8 -10 người kéo, nay nhờ có máy tời kéo lưới nên tối đa 6 người là đủ. Tàu tôi cũng trang bị máy định dạng, phao điện tử để gắn trên lưới, giúp việc kiểm soát dàn lưới vào ban đêm được tốt hơn”.
Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trong tỉnh được vay vốn đóng tàu vỏ thép với nhiều trang thiết bị hiện đại để vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản mang lại hiệu quả cao. Năm 2016, ngư dân Phan Lùn, ở phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn) vay vốn đóng mới tàu vỏ thép BĐ 99119-TS, công suất 811 CV, làm nghề lưới rê. Ông Lùn cho biết: Tàu vỏ thép được trang bị các thiết bị hiện đại, như: Máy dò chụp, ra đa hàng hải, định vị tích hợp hải đồ, thiết bị giám sát hành trình, hệ thống hầm đá tự động làm lạnh giúp bảo quản sản phẩm trong thời gian dài, tăng năng lực khai thác. Tàu tôi làm nghề lưới rê ny lông, chủ yếu hoạt động tại ngư trường miền Nam, mỗi chuyến đánh bắt, thuyền viên có thu nhập trung bình 5 - 8 triệu đồng/người, có chuyến trúng đậm, thu nhập gần 20 triệu đồng/người”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN