Xanh thắm rừng Bình Tân
Về xã Bình Tân, huyện Tây Sơn hôm nay, từ trung tâm xã ngược lên con đường thôn An Hội, Thuận Ninh rồi lên M6, chúng ta sẽ chìm trong ngút ngàn xanh thẳm của rừng.
Có diện tích đất lâm nghiệp lớn - hơn 8.800 ha, chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên toàn xã - Bình Tân có điều kiện phát triển kinh tế rừng. Thực tế, với diện tích rừng trồng lớn nhất trong toàn huyện - trên 2.338 ha - đời sống kinh tế của người dân nơi đây có nhiều khởi sắc, nhiều hộ giàu lên nhờ rừng.
Người dân Bình Tân thu hoạch rừng trồng.
Thông qua nhiều dự án lâm nghiệp triển khai tại địa phương, như: Dự án rừng phòng hộ 661, trồng rừng sản xuất WB3…, nông dân tiếp cận được với những kỹ thuật mới, phương thức trồng rừng sản xuất hiện đại, đồng thời tham gia nhận khoán khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên. Nhờ vậy năng suất gỗ bình quân tăng hàng năm, hiện nay năng suất bình quân của rừng 5 - 7 năm tuổi ở Bình Tân đã đạt mức 100 - 120 tấn/ha. Mỗi năm trên địa bàn xã có khoảng 180 ha rừng đến tuổi khai thác, cho thu nhập khoảng 17,6 tỷ đồng. Nguồn thu khá từ rừng đã giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu, như hộ ông Đặng Văn Tánh, Huỳnh Hữu Cầu, Nguyễn Trực, Hồ Châu (thôn Thuận Ninh), Nguyễn Văn Sông (thôn Thuận Hòa), Châu Văn Hải (thôn An Hội)…
Ông Đặng Văn Tánh, người có thâm niên trồng rừng trên 15 năm, cho hay: “Từ năm 2002, tôi tham gia dự án trồng rừng WB3. Nhờ đó, tôi được hỗ trợ vốn, cây giống và kỹ thuật trồng rừng. Thấy trồng rừng có hiệu quả tốt, tôi tích cực mở rộng diện tích tham gia dự án những năm sau đó. Có vốn trong tay, tôi lại mua thêm đất để trồng rừng. Bình quân mỗi chu kỳ khai thác (5 năm) tôi có thể lãi 50 triệu đồng/ha”.
Không chỉ có thu nhập từ việc trồng rừng, nhiều hộ còn nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ với mức khoán 300 - 400 nghìn đồng/ha/năm, cải thiện đời sống. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện đã giao cho 274 hộ dân ở thôn M6 quản lý hơn 4.000 ha rừng phòng hộ. Tổng số tiền chi trả hàng năm trên 1,4 tỷ đồng. Từ năm 2020, Ban đã chuyển đổi sang hình thức giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn M6 quản lý bảo vệ.
“Để phát triển kinh tế rừng đúng hướng, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, xã Bình Tân sẽ tập trung bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có; chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng và phá rừng gây ra; quy hoạch, mở rộng diện tích trồng rừng sản xuất hợp lý gắn với công tác theo dõi, quản lý trồng rừng theo quy hoạch”, ông Hồ Sỹ Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân, cho biết.
ÁNH NGUYÊN