“Chỉnh chu” hay “chỉn chu”?
Khá nhiều người khi diễn đạt sự chu đáo, tươm tất thường dùng từ chỉnh chu, nhưng viết đúng thật ra phải chỉn chu. Vậy, do đâu mà có sự nhầm lẫn này?
Theo chúng tôi, có hai nguyên nhân chính. Về âm, chỉnh chu và chỉn chu có cách phát âm rất gần (ở một số địa phương, phát âm như nhau); hơn nữa, chỉnh chu dễ phát âm và thuận tai hơn so với chỉn chu. Về nghĩa, yếu tố chỉnh gợi liên tưởng đến các từ nghiêm chỉnh, chỉnh đốn, chỉnh tề, hoàn chỉnh… tạo cảm giác vừa dễ hiểu vừa phù hợp với yếu tố chu mang nghĩa trong các từ chu đáo, chu tất, chu toàn… và nghĩa chung của cả từ. Trong khi đó, với người Việt hiện nay, chỉn gần như vô nghĩa. Do đó chuyện nhầm lẫn là dễ hiểu. Nhưng nếu không biết đâu đúng đâu sai thì lâu ngày, cái sai sẽ lấn át và chiếm luôn vị trí của cái đúng. Về mặt khoa học, ngữ nghĩa, chấp nhận sai lấn át đúng sẽ rất tai hại.
Chỉn là một từ Việt cổ. Theo Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện (2001), chỉn có nghĩa “chỉ, quả thực, vốn, thật”. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (1997) ghi nhận chỉn là một từ cũ và giảng là “vốn, vẫn”.
Chu là một yếu tố Việt gốc Hán. Trong tiếng Hán, chu thuộc bộ khẩu, có các nghĩa “vòng quanh, đủ, vẹn, toàn thể”. Vào tiếng Việt, chu là một hình vị độc lập, mang nghĩa “đạt mức yêu cầu, có thể làm cho yên tâm, hài lòng; ổn” (Từ điển tiếng Việt, sđd, tr.167). Như vậy, chỉn chu nghĩa gốc là “rất đạt, thật ổn”.
Cần nói thêm, theo học giả An Chi, chỉn cũng là một từ Việt gốc Hán. Trong bài “Gốc và nghĩa của từ chỉn”, ông cho rằng từ này bắt nguồn từ chữ chân (bộ mục, nghĩa “thật, thực là”) trong tiếng Hán. Mối quan hệ giữa hai nguyên âm /â/ và /i/ ngoài chân ~ chỉn, ta còn gặp trong nhiều trường hợp: ấn ~ in, cấp ~ kíp, cập ~ kịp, tâm ~ tim, tầm ~ tìm, thẩm ~ thím…
Th.S PHẠM TUẤN VŨ