Giáo dục STEM & những niềm hy vọng
Phương pháp giáo dục STEM (viết tắt từ chữ cái đầu tiên của các từ Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Math - Toán học) về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Những kiến thức và kỹ năng trên được kết nối, tích hợp, lồng ghép và bổ trợ nhau, giúp người học không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành, thậm chí có thể tự tạo ra sản phẩm.
Tôi đã nhiều lần tham gia những giờ ngoại khóa từ khi còn là học sinh phổ thông cho đến khi đi làm. Nhưng chưa khi nào tôi thấy mình hào hứng như khi được tham gia một giờ sinh hoạt ngoại khóa ở Trường THCS Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân) cách đây ít lâu. Không phải là các hoạt động văn nghệ, thảo luận chung chung, cũng không phải là sinh hoạt theo các chủ đề cụ thể nào đó.
Đó là một cuộc thi bắn tên lửa bằng nước!
Mới nghe chủ đề đã thấy tò mò. Kích thích sự tò mò, muốn tìm hiểu bản chất vấn đề là gì đã là một thành công của nhà tổ chức. Không chỉ có vậy, sau khi công bố đề tài, chi tiết các điều kiện…, trường hỗ trợ mỗi nhóm dự thi 50.000 đồng để mua vật liệu. Việc của học sinh là nghiên cứu và chuẩn bị mọi thứ cho phần thi bắn tên lửa bằng nước. Cách tính thành tích rất đơn giản, đội nào bắn bay cao, xa hơn thì thắng. Hoạt động làm học sinh thích thú và tự mày mò làm tên lửa. Đặc biệt, không chỉ nam sinh tham gia mà nhiều nữ sinh cũng rất tích cực đòi… dự phần.
Nhiều thầy cô cho biết, chính họ cũng hào hứng và liên tục thăm hỏi học sinh của mình về tiến độ của dự án. Thậm chí có đội còn cử người “do thám” xem các đội bạn đã làm được gì. Học sinh cần được trải nghiệm nhiều hơn nữa, ứng dụng kiến thức được trao truyền thường xuyên hơn, bởi “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi” (Goethe). Khi tham gia cuộc chơi các em sẽ tập đo đạc, tính toán, vận dụng kiến thức đã học để thực hiện và vận hành sản phẩm. Nhà trường sẽ tiếp tục tham khảo, suy nghĩ thêm nhiều nội dung khác để tổ chức định kỳ.
Trò chơi kể trên của Trường THCS Ân Hảo Tây là một điển hình của phương pháp giáo dục STEM, được vận dụng linh hoạt, tạo thành một sự kiện thu hút được sự chú ý của cả người dạy và người học.
Sở dĩ đặt ra vấn đề này là vì khi chọn sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên nào cũng tâm đắc khi chương trình mới có đầy đủ các môn học và cách thức triển khai tương đồng với STEM ngay từ cấp tiểu học. Điều này mang đến hy vọng cho cả giáo viên và phụ huynh về giáo dục sáng tạo, thực tiễn, giúp học sinh thích thú, rời bỏ kiểu “học vẹt” lý thuyết, ít gắn bó với thực tế đời sống.
ĐỖ THẢO