Hậu Covid-19 lấy kinh tế xanh làm động lực phát triển
Nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 và ổn định phát triển trong giai đoạn tiếp theo, sáng nay (10.6), tại Hà Nội, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp hậu Covid-19”.
Tác động từ dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến kinh tế- xã hội tại nhiều lĩnh vực, như về tăng trưởng, đầu tư, thương mại, đồng thời làm gián đoạn các chuỗi sản xuất quan trọng… Đến nay, tại nước ta khi dịch bệnh cơ bản đã và đang được kiểm soát tốt, song những ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay.
Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị phù hợp với tình trạng bình thường mới.
Trong bối cảnh hậu Covid-19, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, để vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cấp bách trước mắt, đó là khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước, thu hút nguồn vốn FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Giải pháp về lâu dài là phải cải cách thể chế, tiếp tục quan tâm, chú trọng việc đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực của các đầu tàu kinh tế, phát triển khoa học công nghệ mới, đổi mới sáng tạo.
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Tất Thắng cho rằng, yêu cầu đang đặt ra cho các doanh nghiệp trong việc cơ cấu đó là cần chuyển sang nền kinh tế số để thích ứng với bối cảnh mới, yêu cầu mới.
“Tình trạng bình thường mới trong giai đoạn hiện nay là phát triển kinh tế trong bối cảnh luôn luôn có dịch đe dọa. Vì vậy, chúng ta phải tìm kiếm những hướng đi mới, phải tìm kiếm bằng công nghệ kinh tế xanh có thể phát triển dài lâu. Cùng với đó các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị cho phù hợp với tình trạng bình thường mới, đồng thời tích cực triển khai tìm kiếm thị trường mới bạn hàng mới trong giai đoạn tiếp theo này", ông Thắng nói.
Còn theo ông Bùi Tường Lân, Phó Chủ tịch Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam-ASEAN, cần liên kết các doanh nghiệp lại với nhau để cùng vượt qua khó khăn, thử thách. Đồng thời, tự thân nỗ lực từ phía chính doanh nghiệp để tự cứu mình và chia sẻ lẫn nhau cùng vượt khó.
“Phải nhận thức sớm về thay đổi tập quán sản xuất, tập quán tiêu dùng để chuyển đổi cách của mình trong kinh doanh, trong quản lý. Đồng thời, thứ hai nữa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải liên kết lại với nhau thành từng nhóm tự tạo thành Group lớn để cùng hỗ trợ nhau phát triển”, ông Lân nhận định.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng, thời gian tới công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được thúc đẩy đi vào thực chất nhằm kích hoạt cho kỳ khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch covid-19.
Theo Nguyễn Hằng (VOV1)