Trải nghiệm “thám hiểm vũ trụ”
Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6, Trung tâm Khám phá khoa học (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) náo nhiệt với sự góp mặt của các “phi hành gia nhí” cùng nhiều du khách trong và ngoài tỉnh trải nghiệm chuyến “thám hiểm vũ trụ” thú vị.
Tòa nhà chính của Trung tâm Khám phá khoa học (Tổ hợp Không gian khoa học) kiến trúc hình tròn, bên trong chia thành 3 lớp nhà, trong đó phòng hệ Mặt trời nằm ở trung tâm. Chúng tôi theo chân các đoàn khách nhí tham quan phòng hệ Mặt trời, điểm thu hút chính là quả cầu mô phỏng hành tinh Omnigloble® được làm bằng kính, nhờ hiệu ứng ánh sáng cho người xem cảm giác đang xoay tròn, tạo ảnh 3D sống động. Qua màn hình điều khiển, các em nhỏ có thể định vị mình đang ở đâu trên Trái đất. Các chủ đề về biến đổi khí hậu, như nồng độ khí CO2 trong không khí, mực nước biển dâng, đặc biệt các thiên thể trong hệ Mặt trời được thể hiện trực quan, ấn tượng. Hay khám phá 30 “câu chuyện” kể về Trái đất và hệ Mặt trời thông qua các mô hình sống động.
Quả cầu mô phỏng hành tinh Omnigloble® là tâm điểm thu hút khách.
Tiếp theo là cánh cửa bí mật của 2 căn phòng: Phòng các quy luật tự nhiên và phòng “chơi mà học” được mở ra với nhiều điều lý thú. Ứng với mỗi mô hình, trò chơi được xây dựng tại đây là các khái niệm khoa học đơn giản của Vật lý, Toán học, Sinh học... gắn với ứng dụng thực tế. Các “phi hành gia nhí” vô cùng thích thú khi được quan sát hình ảnh qua kính thiên văn phản xạ và khúc xạ, xem mặt cắt ngang của lốc xoáy, cách thức tạo ra tia lửa điện.
Cũng trong chuyến “thám hiểm vũ trụ” hôm ấy, không riêng các em nhỏ mà ngay những du khách đến từ Hà Nội cũng bị hấp dẫn bởi không gian khám phá khoa học nơi đây. Những bức tranh tái hiện các mốc thời gian quan trọng trong lịch sử vũ trụ, bắt đầu từ vụ nổ Bigbang cho đến khi hình thành hệ Mặt trời. Tìm hiểu về lịch sử của vũ trụ khi nhìn vào giếng “ký ức” (giếng Bigbang) và tham gia chuỗi trò chơi thể chất công nghệ cao được vận dụng từ nghiên cứu vật lý hạt.
Nuôi dưỡng đam mê khoa học
Ngoài 88 mô hình đang được trưng bày, cuối năm nay, Trung tâm Khám phá khoa học dự kiến hoạt động mô hình nhà kính thông minh ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật và trạm quan sát thiên văn. Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Hà, kiêm Giám đốc Trung tâm Khám phá khoa học, cho hay: “Ngoài giúp công chúng trải nghiệm, hiểu biết thêm về khoa học, Trung tâm còn là nơi nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học cho giới trẻ, đặc biệt những em có ý tưởng và khả năng nghiên cứu khoa học. Chúng tôi sẽ có cơ chế hỗ trợ các em có điều kiện nghiên cứu sâu hơn và phát triển ý tưởng thành nghiên cứu khoa học”.
Đặc biệt, 8 mô hình mới vừa được Trung tâm Khám phá khoa học nghiệm thu tháng 5.2020 thỏa mãn được niềm mong đợi của người xem. Mô hình sa bàn năng lượng tái hiện, mô phỏng các dạng năng lượng tái tạo như: Nắng, gió, nhiệt trong lòng đất... qua đó truyền tải thông tin giáo dục, xã hội đến người xem. Trong mô hình hệ Mặt trời thu nhỏ, người chơi có thể tự quay mô hình để xem sự chuyển động và thứ tự quay của các hành tinh trong hệ Mặt trời. Hay mô hình robots for the well-being of humans tạo hiệu ứng khi người xem có thể trò chuyện và giao tiếp trực tiếp cùng robot.
Sau khi đi hết các phòng, khách tham quan được hướng dẫn tập trung tại sảnh của tòa nhà tham gia các hoạt động trải nghiệm tập thể lý thú như: Trò chơi bắn “tên lửa đạp”, sân chơi mô phỏng hệ Mặt trời, chế tạo tên lửa nước...
Có thể nói, Trung tâm Khám phá khoa học là nơi rất thú vị cho những người muốn tìm hiểu về khoa học, khám phá vũ trụ, đặc biệt với các em nhỏ. Em Nguyễn Ngọc Hân, 10 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn), vui vẻ nói: “Con được học hỏi rất nhiều thứ, được làm quen với khoa học lại được vui chơi thỏa thích. Con rất muốn có dịp quay lại nơi này”. Còn anh Nguyễn Trường Nam, du khách đến từ Hà Nội, việc Bình Định hình thành nên Trung tâm Khám phá khoa học không chỉ đem lại các hoạt động vui chơi đa dạng mà còn khơi dậy niềm đam mê khám phá khoa học, giúp các em nhỏ định hình ước mơ của mình trong tương lai.
HỒNG HÀ