Ứng dụng GIS xây dựng bản đồ ngập lụt
Với nghiên cứu do TS Nguyễn Việt Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) làm chủ nhiệm, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và nền tảng WebGIS, công nghệ giải đoán ảnh vệ tinh giúp xây dựng bộ chỉ số tổn thương xã hội và bản đồ ngập lụt toàn tỉnh. Đây là giải pháp hiệu quả, giúp tỉnh chủ động ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Nhóm nghiên cứu điều tra thực địa khảo sát vết lũ tại hiện trường.
Qua 2 năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã tiến hành giải đoán ảnh vệ tinh tại 4 thời điểm lũ lịch sử (năm 2009, 2013, 2016, 2017), kết hợp điều tra, khảo sát vết lũ ngoài hiện trường, tổ chức 2 đợt khảo sát trên quy mô rộng tại 120 xã, phường, thị trấn có tình trạng ngập lụt. Từ đó, xây dựng bản đồ phân vùng ngập lụt toàn tỉnh.
Bản đồ phân vùng ngập lụt không những đóng vai trò cần thiết đối với công tác phòng ngừa, ứng phó ngập lụt, mà còn là nội dung cần thiết để thiết lập và tính toán chỉ số tổn thương xã hội (SVI). Chỉ số SVI được thiết lập với 66 nhân tố cấu thành từ 3 hợp phần (độ phơi nhiễm, độ nhạy cảm và năng lực thích ứng) và 7 hợp phần phụ khác (nhân khẩu học, sinh kế, hạ tầng, tự nhiên, chính trị - xã hội, kinh nghiệm, tài chính).
Dựa trên số liệu thu thập được từ quá trình giải đoán ảnh viễn thám kết hợp với điều tra thực tế và 2 cuộc điều tra xã hội học tại 120 xã, phường, thị trấn với gần 3.720 hộ gia đình thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố, các nhà nghiên cứu đã tính toán chi tiết cho thấy, về tổng thể Bình Định là địa phương dễ bị tổn thương do tình trạng ngập lụt. Nhóm cộng đồng có mức độ tổn thương cao hơn nhóm chính quyền. Có 37 địa bàn cấp xã có chỉ số SVI ở mức cao, cần được quan tâm.
Theo TS Nguyễn Việt Cường, nhờ xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về chỉ số tổn thương dựa trên nền tảng WebGIS, thiết kế các mô đun phần mềm quản lý chỉ số SVI, thiết kế các phần mềm trên nền tảng công nghệ ArcGIS server và tích hợp trên WebGIS đã hình thành website chia sẻ thông tin về chỉ số SVI cho cộng đồng và phân quyền truy cập cho các nhà quản lý để quản trị, cập nhật cơ sở dữ liệu.
PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện TN&MT, nhận định: Việc phân tách chỉ số SVI thành 2 nhóm chính quyền và cộng đồng là ý tưởng mới mẻ, sáng tạo, nhờ đó việc đánh giá vấn đề tổn thương có chiều sâu hơn. Kết quả nghiên cứu còn là cơ sở để các cơ quan quản lý phân bổ nguồn lực đầu tư hiệu quả nhất cho công tác ứng phó với lũ lụt.
KHÁNH LINH