Đã tìm được cách giúp người sống thọ 500 tuổi?
Các nhà khoa học tin rằng, chúng ta có khả năng sống tới 500 tuổi nếu cách kéo dài tuổi thọ cho giun thông qua biến đổi gen có thể ứng dụng được với con người.
Theo tạp chí Cell Reports, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tiến hành thử nghiệm đối với loài giun Caenorhabditis elegans – động vật đầu tiên được giải mã toàn bộ hệ gen và được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về sự lão hóa và tuổi thọ. Cụ thể là, nhóm nghiên cứu tập trung vô hiệu hóa các phân tử then chốt ảnh hưởng đến hoạt động của insulin và một cơ chế phát tín hiệu dinh dưỡng có tên gọi Mục tiêu Rapamycin (TOR).
Các đột biến đơn lẻ trong cơ chế TOR đã kéo dài tuổi thọ của C. elegans thêm 30%, trong khi các đột biến liên quan đến insulin có thể tăng gấp đôi thời gian sống của những con giun này.
Nhóm nghiên cứu từng kỳ vọng, việc tác động đồng thời đối với cả 2 cơ chế trên có thể tăng 130% tuổi thọ của giun C. elegans. Tuy nhiên, kết quả thu được trong thực tế rốt cuộc còn đáng kinh ngạc hơn nhiều.
Tiến sĩ Pankaj Kapahi đến từ Viện nghiên cứu tuổi Buck (California, Mỹ) và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Cái chúng tôi thu được ở đây là việc tăng gấp 5 lần tuổi thọ của các con giun thí nghiệm. Hai cơ chế đột biến đã tạo lập một vòng phản hồi tích cực trong các mô nhất định, chịu trách nhiệm gia tăng tuổi thọ. Về cơ bản, những con giun này có thể sống tới mức tuổi thọ tương đương 400 – 500 tuổi ở người”.
Phát hiện trên có thể giúp lí giải tại sao, cho tới nay, vẫn rất khó để nhận diện các gen đơn lẻ giúp một số người sống tới hơn 100 tuổi. Nhóm nghiên cứu nhận định, điều này có thể vì các tương tác giữa các gen giữ vai trò trọng yếu ở những người có may mắn sống rất lâu và khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu dự định sẽ tiếp tục thử nghiệm trên chuột để kiểm tra khả năng xuất hiện hiệu ứng tương tự ở động vật có vú. Mặc dù có thể mất thêm nhiều năm nghiên cứu nữa mới có thể kiểm nghiệm cách kéo dài tuổi thọ này ở người, nhưng theo tiến sĩ Kapahi, khám phá mới đã mở ra triển vọng về các phương pháp chống lão hóa nhờ tương tác di truyền.
. Theo VNN