Đánh giá hiệu quả KT-XH các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sau nghiệm thu
(BĐ) - Sáng 11.6, tại TP Quy Nhơn, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định (Sở KH&CN) chủ trì, phối hợp với khoa Kinh tế và Kế toán Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng hiệu quả kinh tế-xã hội (KT-XH) các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tỉnh Bình Định giai đoạn 2006-2016 và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả các kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực cùng đại diện các sở, ban, ngành, DN trong tỉnh.
TS Nguyễn Ngọc Tiến, chủ nhiệm đề tài hồi đáp các ý kiến của nhà khoa học, đại biểu tham dự Hội thảo.
Đây là hội thảo lần thứ 3 nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học Xây dựng bộ tiêu chí và đánh giá hiệu quả KT&XH của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2016 do TS Nguyễn Ngọc Tiến, giảng viên khoa Kinh tế và Kế toán Trường ĐH Quy Nhơn làm chủ nhiệm. Theo yêu cầu, đề tài phải đánh giá hiệu quả ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược, khoa học xã hội và nhân văn. Nhóm nghiên cứu đã triển khai đánh giá 146 đề tài sau nghiệm thu, dựa trên 7 tiêu chí là: hiệu quả về mặt khoa học, hiệu quả về mặt công nghệ, hiệu quả về mặt kinh tế, hiệu quả về mặt môi trường, hiệu quả về mặt văn hóa-xã hội, hiệu quả về mặt thông tin - quản lý và hiệu quả về mặt đào tạo.
Kết quả, trong tổng số 146 đề tài/dự án được đánh giá, có 17 đề tài/dự án đạt mức A (mức có hiệu quả KT-XH rất đáng kể, chiếm tỷ lệ 11,64%), 58 đề tài/dự án đạt mức B (hiệu quả KT-XH đáng kể, chiếm tỷ lệ 39,73%), 43 đề tài/dự án đạt mức C (hiệu quả KT-XH vừa phải, chiếm tỷ lệ 29,45%), 19 đề tài đạt mức D (hiệu quả KT-XH thấp), 9 đề tài mức E (không hoặc chưa có hiệu quả KT-XH).
Trên cơ sở kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị, bao gồm: Sở KH&CN cần tiếp tục theo dõi và đánh giá hiệu quả của các đề tài đã nghiệm thu, kể cả các đề tài chưa có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp do tính thời điểm của nghiện cứu; tỉnh cần quy hoạch phát triển KH&CN trong từng giai đoạn, trên cơ sở này xây dựng các chương trình KH&CN phù hợp; các bộ, ngành trung ương cần có cơ chế tài chính mới cho việc thực hiện các đề tài/dự án; đơn giản hoá các thủ tục thanh quyết toán đề tài/dự án; đẩy nhanh việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn...
NGỌC TÚ