Cần đầu tư đồng bộ hệ thống cảng cá
Bình Ðịnh hiện có 3 cảng cá lớn gồm: Cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), cảng cá Ðề Gi (huyện Phù Cát) và cảng cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn). Mặc dù đã được đầu tư trong nhiều năm qua và có nâng cấp, song hệ thống các cảng cá vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, tiếp nhận hậu cần, bốc dỡ sản phẩm và tránh trú bão.
Hạ tầng tại cảng cá Tam Quan chưa được đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu cá.
Luồng lạch bị bồi lấp
Theo Quyết định 1976 ngày 12.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bình Định có cảng cá Quy Nhơn là cảng cá loại I và cảng cá Đề Gi, Tam Quan là cảng cá loại II.
Trong 3 cảng cá nêu trên, cảng cá Quy Nhơn là trung tâm giao dịch thủy sản cấp vùng được đầu tư xây dựng mở rộng, đưa vào sử dụng năm 2012 với tổng diện tích đất cảng 3,5 ha, sức chứa tối đa khoảng 1.000 tàu cá. Cảng cá Đề Gi được đầu tư xây dựng với tổng diện tích đất cảng 2,5 ha với sức chứa tối đa khoảng 1.800 tàu cá. Tuy nhiên, luồng lạch tại 2 cảng cá này hiện đã bị bồi lấp gây khó khăn cho tàu thuyền khi ra vào.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Châu, ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu vỏ thép BĐ 99169-TS, cho biết: “Cửa biển Đề Gi hiện đã bị bồi lấp nên việc ra vào của tàu cá gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, phía bên trong đầm Đề Gi tại khu vực cảng Đề Gi có nhiều rạn đá, luồng lạch bồi lấp nên tàu vỏ thép không thể vào neo đậu bên trong, chỉ neo đậu được phía bên ngoài của cảng. Mùa mưa bão đến, tàu vỏ thép rất khó có chỗ neo đậu, nếu neo cùng chỗ thì tàu cá vỏ gỗ thì rất dễ bị hư hỏng do va đập”.
Mặc dù việc đầu tư xây dựng cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi được quan tâm, song vẫn chưa đồng bộ, tương xứng với tiềm năng phát triển nghề cá của tỉnh. Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, phụ trách cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, với số lượng tàu cập cảng nhiều trong mỗi mùa trăng, cầu cảng không thể đáp ứng nên Ban quản lý các cảng cá đã bố trí lực lượng hướng dẫn, sắp xếp việc neo đậu của tàu thuyền tại cảng đảm bảo trật tự, thông luồng tuyến; trong đó ưu tiên tàu cập cảng bốc dỡ sản phẩm được vào trước và tàu tiếp nhận hậu cần vào sau.
Cảng cá Tam Quan cũng được quy hoạch là khu neo đậu tránh trú bão của tàu cá nhưng hiện chưa được đầu tư xây dựng. Cảng cá này hiện có sức chứa tối đa khoảng 1.200 tàu, nhưng chỉ riêng số lượng tàu cá của TX Hoài Nhơn đã lên đến 2.400 tàu. Trong mùa mưa bão, cảng càng thêm quá tải do có nhiều tàu cá ngoài tỉnh vào neo. Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công chia sẻ: “Vấn đề nan giải nhất là luồng lạch tại cửa biển Tam Quan thường xuyên bị bồi lấp, mà kích thước tàu cá khai thác thủy sản xa bờ ngày càng lớn, nên việc ra vào cửa biển Tam Quan rất khó khăn, không đảm bảo an toàn. Mặc dù hàng năm địa phương đã triển khai nạo vét, khơi thông luồng tuyến nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, tình trạng bồi lấp vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn”.
Cần được đầu tư hạ tầng
Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu ra vào cảng của tàu cá, Sở NN&PTNT đang đề xuất UBND tỉnh cho nạo vét, khơi thông luồng tuyến tại các cảng cá trong tỉnh. Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Thật ra tỉnh ta cũng đã đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá Đề Gi đảm bảo tiêu chuẩn cảng cá loại I và là khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng, đảm bảo cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng hệ thống kè bờ, luồng lạch, vùng nước neo đậu tại mỗi khu neo đậu sức chứa khoảng 5.000 tàu cá. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương mở rộng khu neo đậu tàu thuyền đầm Thị Nại về hướng khu kinh tế Nhơn Hội, xây dựng tuyến luồng hàng hải vào cảng Nhơn Hội và vùng nước neo đậu tàu thuyền tại thôn Nhơn Phước, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn). Nhưng mọi việc còn chờ.
Được biết, riêng cảng cá Tam Quan, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp đưa cảng cá Tam Quan từ cảng cá loại II qua nhóm cảng cá loại I. Đề xuất Bộ NN&PTNT về nội dung tham gia dự án phát triển thủy sản bền vững vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 647 tỷ đồng để thực hiện từ năm 2020 - 2026 tại TX Hoài Nhơn, gồm 3 hợp phần: Đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phát triển thủy sản; nâng cao năng lực quản lý, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản; quản lý dự án.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác PCTT&TKCN năm 2020 do Chính phủ tổ chức hồi giữa tháng 5.2020, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết: Tỉnh Bình Định luôn chú trọng công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Trước mùa mưa bão, các tàu cá được đưa vào khu neo đậu, nhưng nhiều tàu đã bị trôi neo, va đập gây hư hỏng do hạ tầng các khu neo đậu chưa được đầu tư để đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai. Tỉnh kiến nghị Trung ương sớm hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá, nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển ngành thủy sản, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN