Trống đồng Ðông Sơn
Trống đồng Đông Sơn là một biểu tượng của văn hóa Đông Sơn. Ngoài là một loại nhạc khí dùng trong các hội hè, tế lễ, trống đồng còn có các công dụng khác như: Làm đồ tùy táng, làm đồ thờ, làm vũ khí…
Trống đồng tìm thấy tại Bình Định đang trưng bày tại Bảo tàng Bình Định.
Hiện Bảo tàng Bình Định có trưng bày một số trống đồng Đông Sơn với nhiều kích thước khác nhau. Dù vậy, nếu tự tham quan, có thể một số người sẽ bỏ qua những chiếc trống đồng vì sự lôi cuốn của nhiều hiện vật khác, nhất là những hiện vật đến từ nền văn hóa Champa. Tuy nhiên, nếu dành cho trống đồng Đông Sơn một lượng thời gian nhất định, bạn sẽ nhận được rất nhiều thông tin, kiến thức thú vị để hiểu thêm rằng, không phải tự nhiên mà Bình Định được mệnh danh là “đất võ trời văn”.
Rất nhiều người đã ngạc nhiên khi biết các nhà khoa học đã tìm thấy ở Bình Định nhiều trống đồng Đông Sơn (trống Heger loại 1). Khu vực tìm thấy trống trải rộng từ Vĩnh Thạnh, xuống Tây Sơn gắn bó với lưu vực sông Côn và lan tỏa đến Phù Cát. Không chỉ khẳng định, trống đồng được tìm thấy ở Bình Định là trống Đông Sơn, các nhà nghiên cứu còn khẳng định tính bản địa của trống Đông Sơn cũng như sức ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn lên khu vực này. Điều này thêm lần nữa cho thấy, Bình Định có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời. Đây là niềm tự hào của người dân Bình Định và sẽ là những khám phá thú vị đối với du khách.
THẢO YÊN