TÌNH TRẠNG XẢ RÁC, CHẤT THẢI XUỐNG KÊNH MƯƠNG THỦY LỢI:
Cần ngăn chặn, xử lý kiên quyết
Ở hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ hiện có tình trạng hệ thống kênh mương thủy lợi bị chặn dòng, ô nhiễm do rác, chất thải chăn nuôi, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân.
Tại nhiều đoạn của tuyến kênh S dài gần 20 km chảy từ xã Cát Lâm xuống 2 xã Cát Hanh, Cát Tài (huyện Phù Cát), đã xảy ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng; kênh ngập đầy rác, xác súc vật, bốc mùi hôi thối.
Tổ Thủy nông Cây Gai và người dân cùng vớt rác tại điểm kênh mương Suối Vùi (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát).
Chỉ tay vào lòng mương Suối Vùi thuộc kênh S (xã Cát Hanh), ông Ngô Thanh Xuân, công nhân Tổ Thủy nông Cây Gai (thuộc Xí nghiệp Thủy lợi II Phù Cát), cho biết: Tình trạng ô nhiễm do rác thải tại tuyến kênh này đã tồn tại rất nhiều năm. Mặc dù cứ 1 - 2 ngày, tổ của chúng tôi tiến hành thu gom, dọn dẹp nhưng rồi đâu lại vào đấy, bởi người dân xung quanh và từ đầu nguồn xả rác dồn về. Khi chúng tôi làm việc không kịp thì rác ngập kênh, không những gây cản trở dòng chảy, mà nước vượt qua kênh tràn ra sông suối, khiến hạ lưu không đủ nước tưới và hư hỏng công trình thủy lợi”.
Theo Nghị định 65/2019/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, hành vi đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, khai thác nước trái phép từ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Tương tự, tuyến kênh N thuộc hệ thống đập Cây Gai cung cấp nước tưới cho hai xã Mỹ Hiệp và Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ), tại đoạn kênh qua thôn Bình Long (xã Mỹ Hiệp), có một số hộ lấy nước trực tiếp từ kênh để nuôi vịt và xả thẳng ra kênh chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý này (nước bẩn, thức ăn thừa, phân vịt), gây ô nhiễm nguồn nước. Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp Phạm Thanh Liêm cho biết: “Sự việc này UBND xã đã biết, đã nhiều lần mời các hộ chăn nuôi lên nhắc nhở, yêu cầu cam kết bảo vệ môi trường và đã có trường hợp bị xử phạt hành chính. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm, xã cũng khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học”.
Hiện trên địa bàn huyện Phù Cát và Phù Mỹ có rất nhiều tuyến kênh bị ô nhiễm bởi rác, chất thải như: Kênh NK và SK1 hệ thống đập Cây Ké; kênh N, N1, S, S4 hệ thống đập Cây Gai; kênh chính hệ thống kênh Văn Phong...
Trước những hành vi xâm hại đến hệ thống thủy lợi, Phó Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi II Phù Cát, ông Đinh Nho Quyên, cho biết: Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ sản xuất, Xí nghiệp cũng phải xử lý lượng lớn rác, chất thải chăn nuôi trên nhiều hệ thống kênh chính và kênh nhánh, nhưng tình trạng vi phạm công trình thủy lợi xảy ra ngày càng nhiều. “Chúng tôi mong muốn các sở, ngành và chính quyền các địa phương xử lý nghiêm khắc người vi phạm và tuyên truyền cho người dân hiểu, không nên xả thải xuống kênh mương, để đảm bảo dòng chảy và chất lượng của nguồn nước tưới được ổn định”, ông Quyên kiến nghị.
Một điểm kênh thủy lợi ở xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) ngập rác.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định (Sở NN&PTNT), ông Hồ Đắc Chương, nhìn nhận, hiện tình trạng xả rác, chất thải xuống kênh mương xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh và đây cũng là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua. Từ thực trạng này, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu cho lãnh đạo Sở NN&PTNT và giao cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định tiến hành kiểm tra, thống kê các điểm xả thải vào nguồn nước để có các biện pháp xử lý. “Thời gian tới, Chi cục Thủy lợi sẽ phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) để bàn các biện pháp hạn chế việc đổ rác thải sinh hoạt xuống kênh thủy lợi, tìm hướng giải quyết tốt nhất để chống ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác bừa bãi xuống kênh thủy lợi”, ông Chương cho biết.
CHƯƠNG HIẾU