8 tỉnh Tây Bắc chung tay kích cầu du lịch
Ngày 12.6, lễ phát động chương trình kích cầu du lịch Tây Bắc do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với cụm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và một số đơn vị có liên quan, cùng hơn 150 doanh nghiệp du lịch trên cả nước đã diễn ra tại Hà Nội.
Tham dự buổi lễ còn có sự tham gia của đại diện Tổng cục Du lịch cũng như ban Chỉ đạo hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ.
Di tích đồi A1 tại Điện Biên
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Chương trình kích cầu toàn quốc là khôi phục nhanh hoạt động du lịch nội địa trên toàn quốc, chuẩn bị sẵn sàng khôi phục hoạt động du lịch quốc tế khi Chính phủ cho phép, Chương trình kích cầu du lịch nội địa tại các tỉnh Tây Bắc thúc đẩy việc khai thác tiềm năng to lớn về du lịch của Tây Bắc, góp phần từng bước cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc tại đây. Trong thời điểm toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19, Chương trình kích cầu sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế các tỉnh Tây Bắc, lấy du lịch làm sinh kế mới cho người dân tại các tỉnh Tây Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: "Kích cầu du lịch đã thực sự trở thành một phong trào mạnh mẽ của toàn ngành, hứa hẹn mang lại các kết quả tốt đẹp cho du lịch Việt Nam. Các tỉnh Tây Bắc là một khu vực còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng Tây Bắc là nơi giàu tài nguyên du lịch (cả thiên nhiên và văn hóa). Phát triển du lịch sẽ là một con đường nhanh nhất tạo động lực phát triển cho vùng đất này."
Ở khu vực Tây Bắc, mặc dù có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, cộng đồng, nghỉ dưỡng núi… nhưng lâu nay, kể cả khi chưa có dịch Covid-19, du lịch trong vùng vẫn chưa thực sự phát triển. Trong khi đó, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét đặc trưng về khí hậu, ẩm thực độc đáo và sự phong phú về văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong vùng là lợi thế của vùng Tây Bắc mà vùng khác không có được. Tuy nhiên, bất cập khi phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc là cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu kém; thiếu cơ sở vật chất chuyên ngành phục vụ du lịch như cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, mua sắm; nguồn nhân lực du lịch còn yếu, phần lớn chưa qua đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ; sản phẩm du lịch na ná nhau, thiếu tính sáng tạo; sự liên kết giữa các tỉnh đã có nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả…
Ngay sau lễ phát động, một đoàn khảo sát sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc đã được thực hiện trong 5 ngày từ ngày 12 đến ngày 16.6. Qua đợt khảo sát này, dưới con mắt của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch- những người trực tiếp đưa khách đến, khai thác tour, tuyến, sản phẩm du lịch trong vùng, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai mong muốn được nghe các góp ý, đề xuất để trước mắt kích cầu du lịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm sống dậy ngành Du lịch trong vùng sau đại dịch Covid-19.
Về lâu dài có các chính sách đầu tư phát triển du lịch phù hợp; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của khu vực; mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, tour, tuyến; phát huy tính liên kết vùng để tạo chuỗi sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao...
Theo MAI AN (SGGP)