Thầu xây dựng thời nay
Nhiều năm gần đây nghề xây dựng là nghề có tốc độ phát triển rất tốt, ngay cả trong những ngày dịch bệnh Covid-19 vừa qua gần như không giảm. Trong đó, các chủ thầu tự do là những người chi phối phân khúc xây dựng nhà ở dân dụng.
Làm chủ thầu tự do phải linh hoạt, khéo léo để giữ được thợ ruột, tìm thêm thợ phụ; phải biết kết nối, tìm việc, tìm khách. Chỉ người trong nghề mới hiểu được những vất vả của đời thầu. Có lẽ vì vậy, mở đầu câu chuyện với tôi, tất cả các chủ thầu đều chia sẻ, người ta thường chỉ thấy cái khổ của thợ chứ gần như không biết được nhà thầu cũng khổ không kém!
Thi công công trình nhà ở dân dụng là phân khúc gần như dành cho các chủ thầu tự do.
- Trong ảnh: Nhóm thợ thi công của ông Phạm Văn Dũng (người ở bìa trái) thi công một ngôi nhà trên đường Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn).
Đi lên từ thợ giỏi
Phần lớn các chủ thầu xây dựng đều từ thợ giỏi nghề tiến lên một bước nhận thầu khoán công trình xây dựng dân dụng. Họ chủ yếu tự học mà thành nghề, nên ngay cả khi đã là nhà thầu họ vừa làm vừa học để bắt kịp các giải pháp, phương án thi công mới, tiên phong trong áp dụng công nghệ mới.
Ông Nguyễn Văn Minh (quê Phù Cát), một chủ thầu tự do cho hay: “Mình không làm thợ sẽ khó biết những cái khó mà thợ trải qua. Khi làm chủ thầu, mối lo của mình không đơn giản như anh thợ là tính toán bao nhiêu hồ, bao nhiêu gạch cho xong một bức tường. Mối lo của chủ thầu nhiều hơn thế - là tiến độ công trình bàn giao, là chi phí, tiền công cho thợ thầy, là bảo hành công trình sau hoàn thiện…”.
Thợ xây là một trong những nghề tự do nặng nhọc, vất vả. Vì vậy, chỉ những người đủ sức khỏe, chịu khó mới trụ được với nghề. Trong một đoàn thợ xây, người nào có khiếu, học nhanh, làm tốt thì dễ trở thành thợ chính, thợ cả. Đây là bước đệm để đi thêm một bước nữa thành nhà thầu. Ông Nguyễn Văn Hiền, quê ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, chủ thầu kiêm thợ cả, cho biết: Làm thợ chỉ chịu nhọc nhằn nắng mưa, nhưng rời công trường là nhẹ đầu. Còn làm thầu phải lo toan cơm áo gạo tiền cho đội thợ, chưa xong hợp đồng này đã tìm hợp đồng khác, lại còn phải tính toán chăm sóc để kết nối các thợ với nhau sao cho hài hòa. Được vậy thì việc mới hanh thông. Để nuôi một đội thợ “ruột” 10 người, cùng với việc đứng chân giám sát, hướng dẫn tại công trình, tôi còn phải xây dựng đội ngũ thợ cả có uy tín cao thay mình chỉ huy tốp thợ, để có thêm thời gian chạy hợp đồng.
Chủ thầu kiểu mới
Nhu cầu thực tế buộc thầu khoán phải thay đổi. Xây nhà ngày nay không đơn giản làm cho xong, cho chắc, mà phải vừa đẹp, phù hợp với yêu cầu, quy chuẩn mới vừa cập nhật vật liệu trang trí mới, thiết bị thi công tiên tiến. Thầu giỏi phải là người biết tính toán, thậm chí tham gia vào khâu hỗ trợ, giúp chủ nhà hoàn thành công trình với chất lượng tốt nhất, gói đầu tư phù hợp nhất.
Nói về điểm này, ông Phạm Văn Dũng (51 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), một trong những chủ thầu tự do nhận được sự tín nhiệm của nhiều khách hàng, phân tích: Thầu xây dựng chủ yếu từ thợ cả đi lên, dựa vào kinh nghiệm để tính toán công trình là chính. Tuy nhiên, yêu cầu của khách càng ngày càng tăng, vật liệu thay đổi liên tục, trong khi gần như toàn bộ thợ xây đều không được học hành, đào tạo bài bản. Chủ thầu phải sắm vai dạy việc cho thợ. Muốn chỉ được cho thợ thì ông thầu phải đi học trước. Học từ các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng đang giám sát công trình. Họ hướng dẫn cho mình những giải pháp, bộ công cụ mới để thợ xây làm tốt hơn. Mình học thấy hay đem về chỉ lại cho thợ của mình. Thậm chí học từ những hiểu biết của chủ nhà vì khi chuẩn bị xây nhà họ thường có nhiều ý tưởng rất hay.
“Cuối năm 2019, tôi bắt đầu đưa máy cuốn đai sắt vào công trình. Cái này là tôi học được sự tư vấn của một chủ nhà. Trước đó tôi có biết loại máy này nhưng không để ý lắm. Từ khi chủ nhà yêu cầu áp dụng, tôi buộc phải đáp ứng. Đúng là hiệu quả hơn hẳn. Cuốn đai sắt bằng máy, không chỉ giảm chi phí mà còn tăng tiến độ, rút ngắn thời gian thi công” - ông Dũng chia sẻ.
Là người chịu học, ông Dũng là một trong những chủ thầu uy tín, chịu khó áp dụng công cụ hiện đại cho ngành xây dựng. Gần như cứ mỗi một công trình nhận thầu, ông lại bổ sung thêm cho mình những kinh nghiệm hay, ý tưởng mới. Từ việc sử dụng dao cắt gạch không bụi không ồn, máy uốn đai sắt cho tới phương án thi công những hạng mục cực khó. Ham hiểu biết lại chịu khó học, ông Dũng đã tiếp cận, học hỏi được nhiều kỹ thuật, thiết bị, dụng cụ mới để phục vụ nghề thầu.
THU DỊU