Hệ lụy từ đòi nợ bằng bạo lực
Gần đây, không ít vụ vay mượn khi việc trả nợ không được như thỏa thuận ban đầu đã dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.
Quang cảnh một phiên tòa xét xử bắt giữ người trái pháp luật tại TAND TP Quy Nhơn.
Nhiều vụ việc nghiêm trọng
Từ người đi đòi nợ, nhưng sau một phút không kiểm soát được hành vi, Phạm Thái Hoài (SN 1993, TX An Nhơn) đã ra tay giết người và hiện đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn tất các thủ tục để phê chuẩn quyết định khởi tố bị can về tội giết người. May mắn chưa gây ra án mạng, nhưng việc các bị can Trần Thế Lộc (SN 1994) và Phạm Minh Viễn (SN 1992, đều ở TP Quy Nhơn) cùng đồng phạm sử dụng bạo lực để ép con nợ trả nợ cũng đã bị cơ quan chức năng truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật. Cụ thể, nhóm của Lộc đã bắt giữ anh L.K.H. để đánh đập, ép buộc viết giấy nhận nợ 120 triệu đồng, là số tiền anh H. thua độ bóng đá trước đó. Hay như vụ Trần Nguyệt Hương (SN 1972, TP Quy Nhơn), Nguyễn Hữu Tân (SN 1992) và Trịnh Thị Mỹ Lệ (SN 1982, đều ở huyện Tuy Phước) cầm đầu cùng với 11 đối tượng khác thực hiện hành vi bắt giữ chị Tăng Thị Tám (SN 1980, huyện Phù Cát) tại chợ Phú Tài (TP Quy Nhơn) rồi đưa lên ô tô chở đi nhiều nơi, đe dọa buộc điện thoại cho người thân mang tiền đến trả nợ thay.
Không đến mức bị đối tượng đòi nợ dùng đến bạo lực nhưng gia đình bà N.T.T. (TP Quy Nhơn) luôn bị khủng bố tinh thần, bởi các chủ nợ liên tục vứt chất bẩn vào nhà hoặc cử người xăm trổ đầy mình đến nhà đòi tiền mà con trai bà nợ. Và hiện cả gia đình bà không dám sống trong căn nhà của mình mà đành chuyển đi nơi khác để không bị các đối tượng đòi nợ quấy rầy, gây áp lực.
Từ đây có thể thấy, hệ lụy từ đòi nợ bằng những hành vi vi phạm pháp luật đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT. Đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Giám đốc CA tỉnh, phân tích: “Gần đây, tình trạng đòi nợ bằng bạo lực có nhiều diễn biến phức tạp với tính chất và mức độ khá nguy hiểm. Đa số các đối tượng vay tiền này là vì đang nợ cờ bạc hoặc buôn bán làm ăn thua lỗ và địa chỉ vay của họ thường là các đối tượng cho vay lãi nặng vì thủ tục nhanh chóng, không cần tài sản thế chấp. Để đòi nợ, các chủ nợ thường sử dụng nhiều người đến gây áp lực, uy hiếp con nợ và người thân để buộc trả nợ”.
Cần hành xử đúng pháp luật
Thống kê của các cơ quan tiến hành tố tụng cho thấy, từ đầu năm đến nay, cơ quan pháp luật đã khởi tố 2 vụ giết người, 4 vụ cưỡng đoạt tài sản và 4 vụ bắt giữ người trái pháp luật liên quan đến đòi nợ. Theo ngành chức năng, sở dĩ phát sinh hình thức đòi nợ trái pháp luật là do xuất phát từ nhận thức không đúng, thậm chí lệch lạc của một số chủ nợ. Họ cho rằng, dùng vũ lực để ép con nợ thì khả năng thu hồi nợ nhanh hơn. Bà Đ.T.N.U. (huyện Tây Sơn) từng lãnh án tù vì hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản, cho biết: “Hồi đó cũng vì muốn thu hồi được nợ nhanh nên tôi đã cùng một số người bắt giữ con nợ rồi khống chế ép lấy tiền. Cái giá phải trả là 19 tháng tù giam âu cũng là bài học nhớ đời cho tôi”.
Theo quy định của pháp luật, nếu người vay nợ không trả nợ đúng hạn, người cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để buộc trả lại tiền. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp, khi người vay không giữ đúng cam kết, thì người cho vay dùng bạo lực để đòi nợ. Theo ông Lê Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, thì: “Việc bắt giữ người trái pháp luật hòng gây sức ép trả nợ, hoặc xiết nợ là những hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi này có thể kéo theo cùng một lúc nhiều tội danh, như cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích thậm chí phạm tội giết người… Vì vậy, để việc cho vay và đòi tiền cho vay diễn ra đúng pháp luật, người vay phải có tài sản thế chấp, giấy vay tiền và người làm chứng để có đầy đủ căn cứ pháp lý nếu phát sinh mâu thuẫn dẫn đến khởi kiện”.
K.ANH