Đường thiên lý qua phủ Hoài Nhơn xưa
Ngay từ thời các chúa Nguyễn, giao thông đường bộ ở phủ Hoài Nhơn đã phát triển và khá thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa. Ðây là điều kiện tốt để kinh tế, xã hội khu vực này sớm phát triển.
Đường cái quan qua Hoài Nhơn thời Pháp.
Từ thời nhà Lý, hệ thống đường bộ ở Đại Việt được triều đình quan tâm củng cố và phát triển để phục vụ cho việc vận chuyển công văn, tài liệu quan trọng và trạm dừng chân của quan lại triều đình. Sang thời nhà Lê, từ năm 1471, sau chiến thắng Đồ Bàn, Lê Thánh Tông đã tổ chức giao thông liên lạc thông suốt đến phủ Hoài Nhơn. Thời các chúa Nguyễn, đường thiên lý Bắc - Nam từ kinh đô đi vào các phủ phía Nam, đi theo chân dãy Trường Sơn gọi là đường thiên lý thượng (cái quan thượng), con đường đi qua các xóm làng dưới đồng bằng ven biển gọi là đường thiên lý hạ (cái quan hạ, dưới triều Nguyễn còn gọi là đường Gia Long). Riêng đoạn nối phủ Hoài Nhơn với phủ Tư Nghĩa đi qua đèo Bến Đá, còn có tên gọi dân gian là đường Thầy Hiếu.
Dưới thời các chúa Nguyễn, điều kiện giao thông đường bộ ở phủ Hoài Nhơn phát triển và khá thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: Đường bộ theo chiều Nam - Bắc qua phủ Quy Nhơn có hai con đường. Đường thiên lý đi theo miệt đồng bằng làng xã gọi là đường hạ đạo, còn đường thượng đạo là đường đi qua khu vực miền núi phía Tây. Cùng với các trạm, triều đình còn tổ chức làm và duy tu bảo dưỡng nhiều cầu. Theo Phủ biên tạp lục thì riêng đoạn đường thiên lý qua địa phận Bình Định lúc bấy giờ có tổng cộng tới 20 cây cầu.
Về tên gọi không chính thức “đường Thầy Hiếu”, được giải thích như sau. Tương truyền, người đầu tiên mở thông đoạn đường này là vị sơn tăng, tên thường gọi là thầy Hiếu. Suốt mười mấy năm liền, ban đầu là chính thầy phát cây, phá đá, về sau có thêm nhiều người dân cùng thầy san đèo, lấp hố tạo ra con đường lớn từ miếu Bà Hương ở Diên Trường (xã Phổ Khánh, Quảng Ngãi) vượt qua đèo Bến Đá (thuộc thôn Hy Thế), đổ dốc rồi mở lối đi thẳng đến xã Hoài Hảo ngày nay, tổng cộng đường dài khoảng 30 km. Để vinh danh vị sơn tăng này, người dân gọi con đường mà thầy khai phá là “đường Thầy Hiếu”.
Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đi đo đạc phân chia ranh giới, đã cắm mốc trên đỉnh đèo Bến Đá để làm ranh giới. Tại đây phủ Tư Nghĩa và phủ Hoài Nhơn cùng dựng 2 ngôi miếu tại vùng ranh giới, hai miếu đứng liền kề và bằng nhau nên có tên là Miếu Đôi. Đến nay vẫn còn dấu tích kiến trúc miếu cổ ở một bên là thôn Đồng Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, một bên là thôn Phú Nông, xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
***
Đường cái quan phát triển mạnh mẽ nhất dưới triều Nguyễn. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho sửa sang lại đường thiên lý, thống nhất mở rộng bề ngang đường lên tối thiểu là 3 trượng (một trượng dài khoảng 4 m), vì vậy ở giai đoạn này đường cái quan còn có tên gọi khác là đường Gia Long. Trên đường cứ khoảng 15 - 20 km lại đặt một trạm. Mỗi trạm bố trí một trưởng trạm và một số phu. Trạm có trách nhiệm nhận và chuyển các công văn, đưa đón các quan lại triều đình đi công cán bằng ngựa, bằng cáng hoặc bằng kiệu. Khách bộ hành lỡ đường, có thể xin ngủ qua đêm ở trạm. Những trạm xung yếu, triều đình bố trí thêm quân canh phòng.
Đáng lưu ý là đoạn đường từ Bình Dương vào Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) đương thời không đi qua đèo Nhông như ngày nay mà băng qua đèo Chuối - là một đèo ở phía Đông Đèo Nhông, kéo dài từ thôn Bích Kê, xã Mỹ Phong qua thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh. Một chi tiết nữa là tại xã Hoài Đức, TX Hoài Nhơn nay vẫn còn di tích một trạm nghỉ chân trên đường thiên lý hạ, tục danh là Ao Vuông. Di tích là một khu đất khá rộng có nhiều cây cổ thụ tán xum xuê, nằm giữa cánh đồng ruộng rộng lớn, cách QL 1 hơn 1 km về phía Tây. Trong khu di tích, hiện còn ao vuông (xưa để cung cấp nước cho quan quân, khách bộ hành nghỉ chân) và một ngôi miếu cổ được người dân địa phương tu tạo và tổ chức tế lễ hàng năm.
Khi người Pháp đô hộ Việt Nam, vai trò chuyển vận thông tin nhanh của các trạm trên đường thiên lý dần dần mất đi do người Pháp thiết lập hệ thống đường dây điện thoại, điện tín. Đến đầu thế kỷ XX, khi xe hơi xuất hiện ở Đông Dương, thực dân Pháp cho sửa chữa mở rộng nâng cấp đường cái quan, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn trước rất nhiều lần. Cũng từ đó hệ thống đường bộ phát triển mạnh mẽ và từng bước thay thế vai trò của đường thủy vốn đã tồn tại hàng nghìn năm ở Việt Nam.
Những thông tin trên là thông tin cơ bản ban đầu, nếu tiếp tục khảo sát, nghiên cứu kỹ hơn chắc chắn sẽ tìm thấy thêm nhiều thông tin thú vị liên quan, giúp chúng ta hình dung rõ ràng hơn về hai con đường cổ đi qua Bình Định (thiên lý thượng và thiên lý hạ) cách nay hơn 500 năm.
NGUYỄN THANH QUANG
Tôi sinh 1936 ở xã Mỹ Lợi huyện Phù Mỹ, chịu khó tìm hiểu, nhưng chưa biết được thông tin của bạn Nguyễn Thanh Quang. Cảm ơn bạn bà bản báo.
Từ thời xưa đã làm đường cho dân đi lại thông thương miền này miền kia nhưng mà không hề thu phí như bây giờ