“Ðừng nhốt tim mình trong một cái chai!”
Trần Lê Sơn Ý sinh năm 1977, quê ở TX An Nhơn (ảnh). Chị tốt nghiệp ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, làm thơ, viết văn, làm báo, sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh đã 25 năm.
Ảnh: LINH HUỲNH
Từ năm 2007, Trần Lê Sơn Ý đã tạo ấn tượng với tập thơ Cơn ngạt thở tình cờ, tác phẩm vào chung khảo Giải thơ Lá trầu của Quỹ Lời vàng Eva. Năm sau, tập thơ này đã nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Thơ của chị có sức cuốn hút riêng, thường bắt đầu từ những hình ảnh gần gũi, quen thuộc rồi bất ngờ với những cái kết lạ, liên tưởng lạ. “Còn một mảng tường có dây leo giữa phố/ Vẫn còn tôi nặng nợ với trưa vàng/ Còn một góc vừa cho hoa nằm đợi/ Là còn tôi, còn rụng xuống thênh thang” (Nợ).
Sau Cơn ngạt thở tình cờ, rất lâu sau chị mới xuất hiện lại trên văn đàn. Nhiều người thắc mắc về điều này, chị chỉ cười: “Mình bận… sinh con và dành thời gian cho ba nhóc Bột, Gạo, Nếp nhà mình”. Khoảng thời gian ấy, chị vẫn lặng lẽ viết. Năm 2018, chị trở lại đầy bất ngờ với liên tiếp 2 đầu sách ở thể loại văn xuôi, có lối thể hiện mới, nhận được sự cộng hưởng nồng nhiệt từ phía truyền thông và độc giả. Với lời đề từ: “Đừng nhốt tim mình trong một cái chai!” trong tập tản văn Yêu thương là tự do (NXB Văn hóa - Văn nghệ & Phanbook), Trần Lê Sơn Ý dang mở lòng mình để đồng điệu, san sớt và thấu hiểu, hướng con người về miền yêu thương được gom nhặt từ những bình dị quanh mình. “Sự quan tâm, chăm sóc sinh ra niềm vui. Niềm vui từ mọi người xung quanh, niềm vui trong cuộc sống, đặc biệt là niềm vui ta hái được từ việc chăm sóc con người bên trong của mình. Và khi đó, yêu thương không phải là trách nhiệm. Yêu thương là tự do. Con cái chúng ta cũng sẽ được tự do” (Yêu thương là tự do).
Với tập ghi chép Sao con hỏi mà con kiến không trả lời (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh & First New), đây là những ghi chép những chuyện hết sức đời thường, dung dị trong hành trình bên con mỗi ngày. Chị mở lối bước vào thế giới của con bằng sự đồng hành, tỉ mỉ quan sát và yêu thương ân cần.
Mới rồi tôi gặp chị tại chính quê nhà Bình Định, được nghe chị sẻ chia nhiều về tuổi thơ, về những tháng năm xa quê, những lát cắt cuộc sống thú vị. Rồi như chợt nhớ điều gì đó, chị bảo: “Em có nghe về mưa bông cải chưa? Ngay ở quê An Nhơn mình đó. Chị nhớ những ngày đạp xe qua cầu ngược gió chỉ sợ bay xuống cầu. Những cơn mưa và gió của những ngày cận Tết. Và mưa bông cải. Mưa lất phất, giống mưa bụi, nhẹ lạnh mà ẩm đủ rùng mình. Người dân ở đó gọi là mưa bông cải vì bông cải rất thích kiểu mưa nhẹ như vậy. Chị nhớ trước và sau Tết nhà nào cũng có một vài luống cải con, xà lách, dưa leo trước nhà để dành ăn bánh tráng...”. Tôi thêm trân trọng, khi chị vẫn luôn dành một góc riêng cho quê nhà thân thuộc với tất cả sự yêu mến chân thành.
NGÔ PHONG