Sắp xếp các cơ quan báo chí: Hướng đến hợp lý, hiệu quả
Chuyển tạp chí thành bản tin, đẩy mạnh tinh giản biên chế, tăng dần tính tự chủ về tài chính..., nhiều vấn đề quan trọng được đặt ra để giúp các cơ quan báo chí hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Theo Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha, hoạt động sắp xếp các cơ quan báo chí của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý để báo chí phát triển hiệu quả hơn, đáp ứng vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại.
Chuyển 3 tạp chí in thành bản tin
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 362-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, trong năm 2020 này, sẽ có 3 tạp chí in chuyển thành bản tin.
Hoạt động sắp xếp các cơ quan báo chí của tỉnh góp phần để báo chí phát triển hiệu quả hơn, đáp ứng vai trò định hướng dư luận xã hội.
- Trong ảnh: Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định tác nghiệp tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ III. Ảnh: NGUYỄN PHÚC
Cụ thể, chuyển đổi tạp chí KH&CN (thuộc Sở KH&CN) thành bản tin KH&CN; hợp nhất tạp chí Văn hóa Bình Định và bản tin Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (thuộc Sở VH&TT) thành bản tin VH&TT; chuyển tạp chí Công đoàn Bình Định (thuộc LĐLĐ tỉnh) thành bản tin Công đoàn Bình Định.
Theo lộ trình thực hiện, chậm nhất đến ngày 30.6, cơ quan chủ quản của các tạp chí thuộc đối tượng sắp xếp phải thực hiện thủ tục đề nghị Bộ TT&TT tiến hành thủ tục cấp phép, thu hồi giấy phép theo quy định.
Bên cạnh đó, sẽ duy trì Báo Bình Định (thuộc Tỉnh ủy) và tạp chí Văn nghệ Bình Định (thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh). Trong giai đoạn 2021 - 2025 tăng cường đầu tư để phát triển Báo Bình Định thành cơ quan báo chí đa phương tiện.
“Trước mắt, Sở TT&TT sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các đề án phát triển, hợp nhất các cơ quan báo chí theo kế hoạch; tham mưu, hướng dẫn các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí thực hiện hồ sơ, thủ tục cấp phép, cấp lại, sửa đổi, thu hồi giấy phép theo quy định pháp luật. Một nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng là nghiên cứu, xây dựng và đề xuất UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để hoạt động báo chí phát triển đúng pháp luật, đúng định hướng, góp phần tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu”.
Giám đốc Sở TT&TT TRẦN KIM KHA
Đối với lĩnh vực phát thanh- truyền hình, tiếp tục duy trì Đài Phát thanh và Truyền hình cấp tỉnh với 1 kênh phát thanh,1 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền. Tiếp tục giữ nguyên và tạo điều kiện cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên địa bàn tỉnh đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân theo đúng quy định của pháp luật.
“Sắp xếp lại hệ thống báo chí có ý nghĩa quan trọng, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Đồng thời, góp phần xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan báo chí”, ông Trần Kim Kha cho hay.
Giảm biên chế, tăng tự chủ
Bên cạnh sắp xếp lại tổ chức, Kế hoạch của UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan báo chí thực hiện tinh giản biên chế và tăng dần mức độ tự chủ về tài chính. Đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 và giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1431/QĐ-TTg ngày 26.10.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực thông tin, truyền thông đến 2021 và định hướng đến năm 2030.
Theo Tổng Biên tập Báo Bình Định Trần Thanh Hải, hiện đơn vị còn 38 biên chế, giảm gần 27% so với năm 2018, gắn với thực hiện nghiêm túc quy định về vị trí việc làm. Kết quả này vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
“Chúng tôi cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện lộ trình tự chủ tài chính. Trước mắt còn không ít khó khăn, nhất là giảm nguồn thu do ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh Covid-19 nói chung, song chúng tôi xác định, nếu trên dưới đồng lòng quyết tâm, tích cực đổi mới hoạt động thì chắc chắn sẽ làm được”, ông Trần Thanh Hải nói.
Nội dung khai thác từ đài nước ngoài không quá 30% thời lượng phát sóng
Kế hoạch đặt ra yêu cầu Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình; đảm bảo thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong nước của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong một ngày. Trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất mới đạt tối thiểu 30% thời lượng các chương trình sản xuất trong nước. Việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình truyền hình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí không vượt quá 30% thời lượng phát sóng trong một ngày của kênh đó.
Bên cạnh nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí trong thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, theo Kế hoạch, sẽ có chính sách đầu tư từ ngân sách tỉnh và các cơ quan chủ quản báo chí phù hợp để nâng cao chất lượng về vật chất, trang thiết bị công nghệ cho các cơ quan báo chí. Đồng thời, tỉnh có cơ chế đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý báo chí có trình độ, năng lực và uy tín, đảm bảo cho hoạt động báo chí địa phương phát triển lành mạnh, phù hợp với xu thế phát triển thông tin hiện đại. Xây dựng chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ biên tập viên, phóng viên, chính sách bảo vệ quyền lợi người làm báo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cạnh tranh ngày càng cao trong lĩnh vực báo chí để thu hút nhân tài.
MAI LÂM