Bình xét hộ nghèo, cận nghèo cần chính xác, công bằng, đúng quy định
Gửi đơn tới Báo Bình Định, ông Nguyễn Thanh Vũ, trú xóm 5, thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân), trình bày: Nhiều năm nay, ông mắc hội chứng thận hư, thoái hóa cột sống lưng nên phải điều trị, uống thuốc dài ngày. Vợ ông là bà Phạm Thị Sang thường xuyên có dấu hiệu mệt mỏi, cẳng thẳng - biểu hiện của bệnh thần kinh.
Vợ chồng ông không có ruộng đất, bản thân bị đau bệnh nên không có việc làm ổn định; chỉ phụ giúp gia đình phía vợ chăn bò và làm một số công việc khác để có miếng ăn qua ngày. Vợ chồng ông Vũ có 3 đứa con nhỏ, lần lượt sinh vào các năm 2011, 2014 và 2016; hiện hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Gần đây, Ban nhân dân (BND) thôn Nghĩa Điền họp xét, đưa gia đình ông Vũ ra khỏi diện hộ nghèo năm 2020, chỉ ở diện hộ cận nghèo. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình khác “nhà cao cửa rộng, có của ăn của để” vẫn được BND thôn cho vào diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. Liệu bình xét như vậy đã đảm bảo chính xác và công bằng? Ông Vũ nhiều lần gửi đơn đến UBND xã Ân Nghĩa, UBND huyện Hoài Ân kiến nghị xem xét lại để gia đình ông phần nào giảm bớt khó khăn, tuy nhiên, xã, huyện không đồng ý.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mây, Trưởng thôn Nghĩa Điền, cho biết: Thôn Nghĩa Điền có 250 hộ; năm 2020, thôn có 58 hộ nghèo và 65 hộ cận nghèo. Việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo được BND thôn thực hiện đúng quy định và trình tự, thủ tục. Theo đó, đối với địa bàn thôn Nghĩa Điền, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700 nghìn đồng trở xuống; hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.
Ngoài ra, việc xét duyệt hộ nghèo, cận nghèo còn căn cứ vào điểm; hộ có tổng điểm từ 120 điểm trở xuống là hộ nghèo, từ trên 120 điểm đến 150 điểm là hộ cận nghèo. Căn cứ kết quả rà soát, năm 2020, hộ gia đình ông Vũ đủ tiêu chuẩn thoát nghèo.
“BND thôn đưa một số hộ gia đình vào diện hộ cận nghèo dù nhà cửa khang trang là nhằm giúp họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có điều kiện đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế; con cái họ được giảm học phí. Không có chuyện chúng tôi ưu ái, nể nang nên đưa vào diện hộ cận nghèo như một số ý kiến phản ảnh (?)”, ông Mây lý giải thêm.
Còn theo UBND xã Ân Nghĩa, sau khi ông Vũ có đơn phản ánh, xã lập tổ công tác xác minh. Căn cứ biên bản họp dân, họp quân - dân - chính thôn Nghĩa Điền và thực tế điều tra tại nhà ông Vũ, hộ gia đình ông thuộc diện thoát nghèo, chuyển sang hộ cận nghèo. Ngoài ra, ông Vũ trình bày bản thân và vợ, con bị bệnh tật nhưng không có giấy tờ về bệnh án để chứng minh.
Ông Tạ Ngọc Định, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, cho biết: Căn cứ kết quả rà soát của thôn, xã và kết quả rà soát lại của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, hộ ông Vũ đủ tiêu chuẩn thoát nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Đại diện lãnh đạo Phòng, lãnh đạo UBND huyện đã làm việc, đối thoại về nội dung ông Vũ phản ánh; đồng thời hướng dẫn ông Vũ và vợ đi khám, giám định tỷ lệ bệnh tật để địa phương có căn cứ xem xét, giải quyết theo đúng quy định. Nhưng đến nay họ chưa cung cấp kết quả giám định bệnh tật cho xã, huyện.
“Tới đây, Phòng phối hợp với UBND xã Ân Nghĩa kiểm tra, rà soát tất cả các hộ trong diện nghèo và cận nghèo để xem xét bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách, tùy thuộc vào mức độ khó khăn của từng trường hợp. Quan điểm của địa phương là việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo phải đúng quy định, trình tự, thủ tục. Làm sao cho người dân thấy được sự công bằng và giá trị đích thực của việc được xét duyệt vào hộ nghèo, cận nghèo; tránh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào chính sách của Nhà nước mà không cố gắng vươn lên trong cuộc sống”, ông Định cho biết thêm.
VĂN LỰC