Người dân xã Bình Nghi phản đối việc khai thác cát của Công ty Đắc Tài
Người dân xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn cho rằng, sau nhiều năm khai thác cát tại bãi bồi sông Côn (thuộc địa phận xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) không đúng quy trình, Công ty TNHH Đắc Tài (Công ty Đắc Tài) đã làm thay đổi dòng chảy, sạt lở đất đai, gây nguy hiểm cho người và gia súc, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Người dân cũng phản đối việc Công ty tự ý đặt ra quy định thu tiền mỗi khi người dân tự khai thác cát ở sông…
Theo trình bày của người dân thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, Công ty Đắc Tài được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác cát xây dựng số 49/GP-UBND vào ngày 8.8.2013, Quyết định cho thuê đất số 2677/QĐ-UBND vào ngày 23.9.2013. Nhưng thực chất Công ty này đã khai thác cát không đúng quy trình từ 3 năm nay, ảnh hưởng xấu đến dòng chảy, gây sạt lở nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hư hại hoa màu của người dân ở hai địa phương giáp ranh là xã Bình Nghi (Tây Sơn) và xã Nhơn Phúc (An Nhơn).
Ngày 14.12, chúng tôi có mặt ở khu vực khai thác cát tại bãi bồi sông Côn, đoạn chảy qua địa phận xã này. Con đường từ tỉnh lộ 636B dẫn đến khu vực khai thác cát, có hàng chục chiếc xe vận chuyển cát nườm nượp qua lại. Cùng với hàng trăm lượt xe chở cát từ những mỏ cát khác làm cho tỉnh lộ 636B trở nên quá tải và lầy lội. Quá bức xúc, người dân xã Bình Nghi và xã Nhơn Phúc đã nhiều lần chặn xe chở cát trong đó có xe của Công ty Đắc Tài để phản ứng.
Ông Võ Phú (74 tuổi, ở thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc), cho biết: “Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình tôi dựa vào 4 sào đất trồng đậu phụng, dưa. Tuy nhiên, việc Công ty Đắc Tài đã cho từ 2 - 4 xe múc khai thác cát ngoài tọa độ được cấp phép và quá độ sâu cho phép từ 2 - 3 m tại khu vực này, đã gây sạt lở gần như toàn bộ đất trồng màu của người dân; trong đó có gia đình tôi, ước tính thiệt hại gần 20 triệu đồng/năm”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lâm Chí Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, cho biết: Về mặt trực quan, tôi cho rằng việc khai thác cát của Công ty TNHH Đắc Tài tại đoạn giáp ranh giữa xã Nhơn Phúc và xã Bình Nghi làm thay đổi dòng chảy của sông Côn gây ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của người dân địa phương. Trước đây, Công ty TNHH Đắc Tài có xin phép khai thác cát tại địa phận xã Nhơn Phúc, nhưng UBND xã đã không đồng ý vì lường trước được những hệ lụy từ việc khai thác cát.
Chưa dừng lại tại đây, việc Công ty TNHH Đắc Tài tự ý thu 180 ngàn đồng/xe cát (gồm phí xe 30.000 đồng, tiền cát 150 ngàn đồng) khi người dân khai thác khiến nhiều người phản đối. Tuy nhiên đến nay sự việc vẫn còn treo đó.
Ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi, xác nhận: Trước đây, UBND xã Bình Nghi có đồng ý cho phép Công ty TNHH Đắc Tài có khai thác cát tại bãi bồi sông Côn đoạn chảy qua địa phận của xã. Đổi lại, mỗi năm, Công ty nộp lại cho xã… 3 triệu đồng. Tháng 8.2013, Công ty Đắc Tài được Sở TN-MT cấp giấy phép khai thác cát ở khu vực kể trên với vùng khai thác rộng 5 ha.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Minh Luận - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, thực trạng khai thác cát không đúng quy trình, tọa độ của nhiều doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn tỉnh là có. Trước đây theo hướng dẫn cũ của Bộ TN-MT, việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ xin phép khai thác cát gồm: Bản cam kết của doanh nghiệp và Phê duyệt dự án cải tạo phục hồi môi trường đều do cơ quan quản lý cấp huyện xem xét, Sở TN-MT chỉ xem xét lại và cấp phép; Công ty Đắc Tài được thẩm định, xem xét, cấp phép theo hướng dẫn này.
Hiện nay, phần lớn các công ty khai thác cát được Sở cấp phép đều khai thác ngoài diện tích quy hoạch cho phép, vượt quá độ sâu cho phép, trong đó có Công ty Đắc Tài. Các công ty này chấp nhận nộp phạt để khai thác ngoài diện tích quy hoạch nhằm thu lại lợi nhuận cao. Việc buông lỏng trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại các địa phương đã gây nhiều bất ổn trong nhân dân. Đề nghị chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp xem xét lại vấn đề này.
PHÚC LỘC