Vì sao chưa khơi được “dòng tín dụng 116”?
Ðể khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó Nghị định số 116/2018/NÐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội tiếp cận vốn cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Dù vậy, đến nay ở tỉnh ta, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bình Ðịnh (Agribank Bình Ðịnh) vẫn chưa khơi được “dòng tín dụng 116”.
Mô hình sản xuất nông sản trong nhà lưới, áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm của vườn La’sfarm Hoài Ân.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngay ở giai đoạn trước mắt, Agribank đã ưu tiên cấp cho “dòng tín dụng 116” tới 50.000 tỷ đồng. Ở tỉnh ta, Agribank Bình Định đã có nhiều văn bản hướng dẫn triển khai đến các chi nhánh trong tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng đủ điều kiện được tiếp cận vay vốn. Theo đó, Agribank Bình Định triển khai hợp đồng tín dụng cho khách hàng cá nhân tối đa là 20 tỷ đồng; khách hàng DN tối đa là 100 tỷ đồng, riêng với DN là khách hàng mới được xem xét ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 80% trên mức tối đa 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai, điều kỳ lạ là Agribank Bình Định chưa thể giải ngân cho khách hàng nào.
“Vốn đầu tư là một trong những vấn đề lớn đối với những người theo đuổi con đường phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Gói đầu tư lớn, đi kèm rủi ro nhiều, thu hồi vốn lâu, do đó chúng tôi khó thuyết phục được “nhà băng”. Chúng tôi cần đến sự trợ lực từ phía cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng thông qua các buổi đối thoại để chúng tôi từng bước tiếp cận và đáp ứng điều kiện vay vốn sản xuất”.
Ông TRẦN BẢO DIỆP, chủ cơ sở sản xuất mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - La’sfarm Hoài Ân
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, phân tích: 3 năm qua chúng tôi đã cử cán bộ tiếp cận, chuyển thông tin về “dòng tín dụng 116” đến các sở, ngành liên quan của tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được khách hàng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để triển khai hợp đồng tín dụng. Có cái khó là trên thực tế, Bình Định chưa có quy định cụ thể về khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các DN đủ điều kiện và được cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều. Để đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, DN phải có tiềm lực tài chính, kế hoạch bài bản, phương án sản xuất, phát triển thị trường… Khảo sát của Agribank Bình Định cho thấy, đa phần DN chưa thực sự sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này, đặc biệt có DN thăm dò các điều kiện vốn nhưng lại không sẵn sàng phương án trả nợ vay khả thi. Cộng các diễn biến này lại thì việc cấp vốn vì thế càng khó.
Có một điểm rất quan trọng khiến đã sắp xếp được tín dụng nhưng ngân hàng không thể khơi dòng được là do các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch mà Bộ NN&PTNT quy định còn rất chung chung, không phù hợp thực tế, khiến phía ngân hàng khó xác định đối tượng thụ hưởng chính sách có thật phù hợp hay không.
Cụ thể, Quyết định số 738 của Bộ NN&PTNT đưa ra hệ thống tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp rất chi tiết. Chi tiết vậy nhưng lại không quy định cơ quan nào đủ năng lực để xác nhận các tiêu chí đó của dự án. Thành ra phía ngân hàng muốn cho vay theo Chương trình cũng không có căn cứ để xác định mình cho vay có đúng đối tượng mà Nhà nước đang khuyến khích hay không.
Cùng với đó, việc vay vốn lĩnh vực này buộc phải có tài sản thế chấp để đảm bảo thu hồi nợ (thực tế đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nhiều rủi ro, nông nghiệp công nghệ cao có mức rủi ro còn cao hơn bình thường), trong khi đó phần lớn cá nhân và DN ở Bình Định hoạt động trong lĩnh vực này gần như không có tài sản thế chấp. Họ chủ yếu sử dụng đất thuê, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm thủ tục thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng; chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi ảnh hưởng đến việc mở rộng cho vay.
Tính đến hết tháng 5.2020, Agribank Bình Định cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là 8.559 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 84,7% trong tổng dư nợ. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, chia sẻ: “Ngân hàng cũng là DN, chúng tôi mong muốn được kết nối với khách hàng để khơi “dòng tín dụng 116”, từ góc độ ngân hàng, chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý của Bình Định quan tâm nhiều đến lĩnh vực này, giữ vai trò kết nối để ngân hàng và DN đối thoại, từng bước gỡ vướng và khơi thông tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
THU DỊU