Sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ: Lợi bất cập hại
Các cơ quan chức năng trong tỉnh tuy có nhiều cảnh cáo, xử phạt, song tình trạng buôn bán mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều nơi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, tịch thu lô hàng hóa mỹ phẩm tự pha trộn không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ tại xã Mỹ Phong.
Còn nhiều mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Hiện nay, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các loại mỹ phẩm giá rẻ tại các chợ, tiệm tạp hóa hay các trang mạng như: Son môi, kem thoa mặt, kem tẩy trắng toàn thân... Điểm chung của những mặt hàng này là giá rẻ, không có nhãn mác chứng minh nguồn gốc, thành phần, hạn sử dụng.
Từ năm 2019 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Ðịnh đã phát hiện, xử lý 19 vụ mỹ phẩm vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm giá, nhãn. Qua đó, xử phạt hành chính hơn 130 triệu đồng; tang vật tịch thu chờ xử lý trị giá hơn 870 triệu đồng.
Một chủ sạp chuyên bán mỹ phẩm ở chợ đêm Quy Nhơn cho biết, muốn mua bất cứ loại mỹ phẩm nào cũng có, từ hàng bình dân đến cao cấp, hàng nước ngoài nhập về. Tuy nhiên, nhiều loại mỹ phẩm như dòng kem trộn, tẩy trắng da không có nhãn mác chứng minh nguồn gốc. Thấy tôi xem hàng với tâm lý không an tâm về chất lượng sản phẩm, chủ sạp nhanh miệng trấn an: “Mỹ phẩm như kem trộn, son môi, kem thoa mặt… ở đây giá rất bình dân, nhưng chất lượng. Ngược lại, nếu mua cùng một sản phẩm ở các cửa hàng thương hiệu lớn, chính hãng, giá phải đắt gấp 5 - 10 lần. Tôi bán mỹ phẩm lâu nay, khách mua rất nhiều nhưng chưa có ai phàn nàn gì cả (!)”.
Theo ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Định: Mỹ phẩm là mặt hàng thông dụng, nhu cầu sử dụng nhiều khiến mặt hàng này bị làm giả rất nhiều. Hiện nay có 3 dạng mỹ phẩm “không chính thống” tồn tại trên thị trường là: Hàng trôi nổi (như hàng xách tay qua con đường phi mậu dịch), hàng giả (sản xuất theo kiểu thủ công, không kiểm soát về mặt chất lượng) và hàng kém chất lượng (có nguồn gốc nhưng không đảm bảo về chất lượng như công bố).
Đơn cử vào ngày 27.5, Cục Quản lý thị trường Bình Định phối hợp với các đơn vị liên quan đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ một lô hàng hóa mỹ phẩm tự pha trộn không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, trị giá hơn 100 triệu đồng tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Uông Nguyên (ở thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ).
Tác hại lớn, xử lý khó khăn
Ông Trần Đức Tiến, cho biết thêm: Mỹ phẩm giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường có rất nhiều nguyên nhân, nhưng cốt lõi ở tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. Đa phần người mua chọn mỹ phẩm bằng cảm quan, chất lượng thì tin tưởng ở người bán. Sự dễ dãi, cả tin cùng tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng đã tiếp tay cho vấn nạn mỹ phẩm nhái, giả, kém chất lượng tồn tại trôi nổi trên thị trường.
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân có bệnh lý về da liên quan đến việc sử dụng mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường, cho biết: Các loại kem làm trắng da nhãn hiệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc thường chứa các thành phần như hydroquinone, acid với nồng độ cao, và phổ biến nhất là corticoid... Đây là những thành phần có chức năng làm tẩy da mạnh nhưng gây rất nhiều phản ứng phụ nguy hiểm. Hydroquinone nồng độ cao đã bị cấm bán ở một số nước vì khả năng có thể gây ung thư. Acid liều cao dùng để tắm trắng có thể ngấm qua da gây phỏng da, tróc da mạnh. Nếu người dùng không biết sẽ gây ra tác hại khó lường, thậm chí để lại biến chứng rất nguy hiểm. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào, người sử dụng cần tìm hiểu kỹ xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng; chọn những sản phẩm nhãn hiệu, đại lý uy tín.
Đề cập tới công tác xử lý, ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bình Định, cho rằng việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả còn gặp nhiều khó khăn, do hành lang pháp lý, chế tài còn thiếu, chưa cụ thể và bộ quy chuẩn thế nào là hàng giả chưa có. Chưa kể, việc xác định vi phạm về sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chưa rõ ràng.
“Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, hết sức thận trọng và tìm hiểu kỹ để không tiếp tay mỹ phẩm giả hoành hành trên thị trường”, ông Tiến khuyến cáo.
HỒNG PHÚC