Lục bát Vĩnh Tuy
Tôi đi tìm tôi (NXB Hội nhà văn, 2019) là tập thơ của tác giả Vĩnh Tuy. Trong tập thơ này, anh chọn thế mạnh của mình là thể thơ lục bát để thể hiện những trạng huống cảm xúc, chở chuyên những hình ảnh mộc mạc quê nhà, cái tình nồng hậu người quê.
Anh viết nhiều về người thân với những trân trọng yêu thương, là đồng đất, là đường cày, là bóng cha dáng mẹ với lam lũ quê nhà ấm đầy cảm xúc: “Lối mòn/ Bóng ngả đằng tây/ Dưới trăng dáng mẹ cũng gầy guộc hơn// Gập ghềnh đèo dốc/ Đường trơn/ Gió rung tóc mẹ dập dờn cùng mây// Dưới đồng đang lỡ đường cày/ Nên cha cùng mẹ/ Gánh ngày vào đêm” (Tình quê).
Vĩnh Tuy kiếm tìm mình trong xa xăm hoài niệm hay trong chính thực tại cuộc đời, càng lần tìm câu trả lời anh như chảy theo những tầng nấc xúc cảm, để rồi hết thảy những điều đó thôi thúc anh “chắp nhặt những rung động những cảm xúc đời thường” để trải lòng mình lên thơ: “Tôi về ngồi dưới trăng tròn/ Đất phèn/ Ruộng cát/ Có còn sức xanh?/ Tôi rời xa chốn thị thành/ Quê nghèo/ Chùa cũng vắng tanh/ Phận chùa!// Tôi tìm tôi khắp bốn mùa/ Đá mềm/ Chân cứng/ Cũng vừa đủ cung/ Tôi tìm tôi phía vô cùng/ Buồn vui/ Cơm áo/ Cũng chung kiếp người” (Tôi đi tìm tôi).
Đa phần thơ trong Tôi đi tìm tôi được viết theo thể lục bát, những biến thể, ngắt dòng được anh xử lý khá linh hoạt, tạo độ ngắt nhịp, ấn tượng thị giác, giúp “gia công” thêm xúc cảm cho thơ. Tập thơ tuy không nhiều thế mạnh về thi tứ, nhưng nhiều bài lục bát của Vĩnh Tuy với sự bình dị, nhẹ nhàng đủ gợi khơi lòng người, tình đời, tạo nhiều đồng cảm với người đọc. Tôi thích những câu lục bát như thế này của anh: “Chia mà có phải chia đâu/ chia giường/ chia chiếu/ chăn sầu đắp chung!/ Ngược nhau về phía vô cùng/ đến khi mỏi gối còn chung bầu trời” (Chia mà có phải chia đâu).
Vĩnh Tuy tên thật là Nguyễn Văn Hạt, sinh năm 1970. Anh hiện đang là nhà giáo giảng dạy ngoại ngữ tại Hoài Nhơn. Đây là tập thơ thứ 2 của anh sau tập thơ Đi dọc sông quê.
VÂN PHI