Tăng cường phối hợp và chữa cháy kịp thời: Hạn chế thiệt hại
Chủ động phòng tránh và xử lý tốt tình huống tại chỗ là một trong những biện pháp then chốt góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra cháy, nổ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC đang tiến hành khống chế và dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Sài Gòn Max vào ngày 1.6.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CA tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 6,5 tỷ đồng (một số vụ còn đang thống kê); mức thiệt hại do cháy nổ giảm so với trước đây khá nhiều.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiệt hại do cháy nổ mà một trong những nguyên nhân chính là do phát hiện cháy muộn. Phát hiện cháy muộn dẫn đến nhiều hệ lụy như: Đám cháy phát triển mạnh mất kiểm soát; đám cháy lan rộng ra các cơ sở xung quanh; lực lượng chức năng PCCC tiếp nhận thông tin báo cháy muộn, dẫn tới việc triển khai chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa kịp thời. Theo đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH: “Khi xảy ra cháy, nổ, nếu lực lượng tại chỗ tiến hành các bước cứu chữa ban đầu trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến thì sẽ giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát PCCC cũng luôn bố trí ca trực 24/24 để khi tiếp nhận sự cố cháy là nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện và phương án chữa cháy kịp thời và hiệu quả”.
Thực tế hiện nay, có nhiều DN, công ty đã chú trọng hơn công tác PCCC, trong đó đặc biệt quan tâm đến xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ. Đơn cử như vụ cháy tại Công ty TNHH Sài Gòn Max (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) vào trưa 1.6 vừa qua, đã gây thiệt hại không nhỏ cho công ty này. Tuy nhiên, nếu không có đội ngũ chữa cháy tại chỗ cùng với sự tiếp ứng kịp thời của Cảnh sát PCCC thì thiệt hại còn lớn hơn. Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty, chia sẻ: “Thời điểm xảy ra cháy vào buổi trưa. Lực lượng tại chỗ sử dụng các thiết bị, phương tiện chữa cháy ban đầu của công ty để khống chế đám cháy, nhưng đám cháy vẫn lan nhanh. Cũng may lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt kịp thời đã bảo vệ được phần lớn máy móc, hàng hóa với giá trị tài sản hơn 7,5 tỷ đồng. Tôi thật sự cảm kích trước sự quả cảm, mưu trí khoanh vùng, khống chế dập tắt hoàn toàn đám cháy của các anh, dù lúc đó khói, khí lan tỏa rộng và rất khó tiếp cận”.
Hay như chia sẻ của đại diện Công ty TNHH MTV Tân Anh Tuấn (xã Phước An, huyện Tuy Phước) về sự cố cháy tại xưởng sản xuất của công ty: “Nếu như lúc đó đám cháy không được dập tắt sớm thì thiệt hại của công ty chúng tôi không chỉ dừng ở con số 3,1 tỷ đồng. Qua sự cố, mới thấy vai trò của công tác PCCC ban đầu rất quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng công tác này cùng với việc phối hợp tốt với Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp để phòng tránh mọi rủi ro do cháy gây ra”.
Có thể nói, việc chủ động từ đầu trong công tác PCCC sẽ giúp ngăn ngừa nhiều rủi ro. Vì vậy, trang bị đầy đủ thiết bị PCCC, xây dựng các mô hình an toàn PCCC ở cơ sở, tổ chức diễn tập PCCC ở khu dân cư, chợ, bệnh viện, công ty, nhà hàng… đã và đang được các ngành, các cấp tập trung triển khai. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Cảnh sát PCCC đã mở hàng chục lớp tập huấn nghiệp vụ cho các cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các hộ gia đình; phối hợp tổ chức diễn tập hàng chục phương án chữa cháy tại cơ sở thu hút hàng nghìn người tham gia. Theo đại tá Long, nguyên nhân dẫn đến cháy nổ là do ý thức chấp hành pháp luật về PCCC tại một số cơ sở, tổ chức, cơ quan, hộ kinh doanh, tiểu thương chưa cao. Do đó, việc nâng cao tinh thần PCCC thông qua việc thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, mua sắm các phương tiện PCCC tại chỗ cũng như phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở và lực lượng PCCC sẽ góp phần ngăn chặn sự cố cháy, nổ cũng như giảm tối đa thiệt hại khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
K.ANH