Bài chòi ở Quy Nhơn
Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định ở TP Quy Nhơn đã và đang được Trung tâm VHTT-TT TP Quy Nhơn thực hiện với sự hưởng ứng tích cực của các phường, xã.
Tín hiệu vui từ lớp tập huấn
Trung tâm VHTT-TT TP Quy Nhơn vừa tổ chức thành công lớp tập huấn về hô, hát bài chòi; hướng dẫn tổ chức hội đánh bài chòi cổ dân gian. Trong thời điểm cuối năm bận rộn nhưng vẫn có gần 40 học viên đến từ 12 phường, xã tham gia tập huấn. Một số phường ngoại thành như Bùi Thị Xuân, xã bán đảo Nhơn Hải có số lượng học viên đông hơn các phường khác. Bà Nguyễn Thị Mười, cán bộ làm công tác phụ nữ ở phường Bùi Thị Xuân, cho biết: “Phường có 6 người tham gia tập huấn, nửa số người trong đó đã từng tham gia thi hô câu thai bài chòi cổ tại Liên hoan Khu phố, Thôn văn hóa tiêu biểu TP Quy Nhơn lần thứ II-2013. Tôi rất phấn khởi khi được trao giải Hiệu xuất sắc trong liên hoan, nên hào hứng tham gia tập huấn để được học hỏi thêm về kỹ thuật hô, hát bài chòi cổ”.
Ngoài sự tham gia nhiệt tình của lực lượng trung niên, người cao tuổi, một số phường đã cử những người trẻ tuổi tham gia tập huấn để hiểu biết về bài chòi cổ và có trách nhiệm trong việc kế thừa bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của cha ông. 6 đoàn viên trẻ tuổi của phường Thị Nại đã tạo được ấn tượng tốt về sự nhiệt tình học hỏi. Chị Lê Thị Hoàng Sang (17 tuổi) tâm sự: “Tham gia nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được học về bài chòi cổ và hiểu rõ những giá trị độc đáo của nó. Kỹ thuật hô, hát bài chòi rất khó, nhưng nhờ được chỉ dạy tận tình nên tôi và các anh chị cùng phường đã tiếp thu được”.
Ngày càng lan rộng
“Chúng tôi mong muốn có các hình thức sinh hoạt bài chòi cổ, hay hội đánh bài chòi cổ dân gian do UBND phường mình tổ chức; để tham gia, đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa”.
Cụ NGUYỄN ĐỨC TẢNG 80 tuổi, ở phường Ngô Mây
Sau đợt tập huấn về hội đánh bài chòi cổ dân gian của Sở VH-TT&DL năm 2011, các cán bộ Trung tâm VHTT-TT TP Quy Nhơn đã tiếp thu, đề xuất tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các phường, xã. Ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nhận xét: “TP Quy Nhơn đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi cổ dân gian. Việc tổ chức hiệu quả hai lần tập huấn, đồng thời quan tâm cử cán bộ hướng dẫn thêm ở cơ sở, đã tạo điều kiện cho hạt nhân văn nghệ ở các phường, xã có thể tham gia bảo tồn, phát huy bài chòi cổ”.
Trung tâm VHTT-TT TP Quy Nhơn cũng đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động khuyến khích học viên tham gia tập huấn tiếp tục tìm hiểu, luyện tập để thi tài hô, hát bài chòi cổ. Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm VHTT- TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi mong muốn Hội đánh bài chòi cổ dân gian sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng, để “trở về” với nhân dân như mục đích ra đời của nó. Hội đánh bài chòi cổ dịp Tết Giáp Ngọ năm 2014 sẽ tổ chức thêm phần thi tài làm Hiệu kết hợp phục vụ nhân dân”.
Được tạo điều kiện tham gia nhiều hội thi, lớp tập huấn bài chòi cổ, các “hạt nhân” văn hóa văn nghệ ở xã bán đảo Nhơn Hải đã tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để có thể tổ chức tốt hơn hội đánh bài chòi cổ. “Được sự hỗ trợ kinh phí của người Nhơn Hải xa quê, chúng tôi đã đặt mua tre từ Phù Cát để dựng chòi, may trang phục mới, đặt làm các bộ cờ… chuẩn bị tổ chức bài bản Hội đánh bài chòi cổ trong dịp Tết Âm lịch sắp tới cho bà con vui xuân”, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, cho biết.
HOÀI THU
Rủ nhau đi đánh bài chòi Để con nó khóc cho lòi rún ra Qua đó ta thất được sức hấp dẫn của bài chòi đã thu hút người dân từ xa xưa đến bây giờ. Vừa qua, tôi cũng có dịp dự lớp tập huấn bài chòi cổ dân gian do TTVH-TT Hoài Nhơn tổ chức. Qua đây tôi muốn tìm lại âm sắc xưa khi còn nhỏ được nghe và được chứng kiến. Lúc đầu tôi và các học viên còn bở ngỡ: Phần chạy hiệu thật gieo neo; Câu thai chưa thuộc bị treo nửa chừng Qua 5 ngày học tập, tôi đã được 2 nghệ nhân Minh Đức và Hoàng Việt hướng dẫn và đã biết chạy hiệu, hát được một số câu thai, một vài làn điệu cơ bản như: Xuân nữ, xàng xê, hò quảng Cám ơn quí lãnh đạo địa phương Hoài Nhơn đã quan tâm, sự nhiệt tình của 2 nghệ nhân, sự tranh thủ kịp thời của TTVHTT huyện đã giúp đỡ cho lớp học nói chung, bản thân tôi nói riêng trở về với cội nguồn dân tộc, có ý thức gìn giữ , phát huy và nền văn hóa phi vật thể của địa phương mình.