Chữ “niêm” là chữ “niêm” nào…
Tiếng Việt có từ niêm với nghĩa “dán, dán kín lại”. Đây là một từ gốc Hán, bắt nguồn từ chữ niêm (bộ mễ hoặc bộ thử, đều liên quan đến gạo, nếp), có nghĩa là “chất keo, chất dính, dán vào”. Đây cũng là chữ niêm trong niêm phong (phong thuộc bộ thốn, nghĩa “gói lại”), niêm yết (yết bộ thủ, nghĩa “dựng lên, vạch ra, tỏ ra cho biết”). Chữ niêm này cũng xuất hiện trong các từ niêm dịch (dịch nhầy), niêm mạc (màng nhầy). Ở đây, niêm với nghĩa “nhầy” bắt nguồn từ nét nghĩa “chất keo” là chất có tính “dẻo, nhầy, dính”.
Trong thơ Đường luật, có khái niệm niêm. Chẳng hạn, ở thể thất ngôn bát cú, tiếng thứ 2 của các dòng 1 và 8, 2 và 3, 4 và 5, 6 và 7 phải cùng một thanh (cùng bằng hoặc cùng trắc). Người ta gọi đó là niêm, tức “phép dính nhau”. Không tuân thủ điều này bị gọi là thất niêm, tức “mất đi sự kết dính”.
Bên cạnh niêm bộ mễ (hoặc bộ thử), còn có chữ niêm bộ thủ (liên quan đến hoạt động của tay), nghĩa là “dùng ngón tay cầm lấy”. Chữ này ta gặp trong câu niêm hoa vi tiếu (vi: nhỏ, tiếu: cười; tạm dịch là “cầm hoa cười mỉm”). Đây là điển có nguồn gốc nhà Phật, bắt nguồn từ giai thoại Đức Phật một hôm thay vì thuyết pháp như mọi ngày thì lại cầm cành hoa đưa lên mà không nói gì cả. Đại chúng ngơ ngác chưa kịp hiểu gì thì ngài Ma-ha Ca-diếp đã mỉm cười. Thế Tôn liền nói: “Ta có chánh pháp vô lượng trao cho Ma-ha Ca-diếp. Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy tỳ kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh”. Theo nhà Phật, niêm hoa vi tiếu biểu thị cho “pháp môn lấy tâm truyền tâm, một pháp môn siêu ngôn ngữ, siêu văn tự”.
Trong nhà Phật còn có thuật ngữ niêm hương (hay niêm hương bạch Phật) nghĩa là “cầm cây hương”, hay “dâng hương [lên để] bạch trình [với] Phật”. Nhiều người (thậm chí cả trên báo chí) nhầm là niệm hương. Niệm thuộc bộ tâm, nghĩa là “đọc, tụng” (niệm kinh), “nhớ nghĩ đến” (niệm Phật). Niệm hương là “đọc cây nhang/ nhớ đến cây nhang” thì thật vô lý.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ