Năm nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (*)
Tại Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2020), vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Bình Ðịnh trân trọng trích giới thiệu bài phát biểu này.
…
Thưa các nhà báo và các đồng chí,
Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình hình thế giới và khu vực biến động mạnh, chuyển đổi sâu sắc, khó lường; những tác động chưa từng có do đại dịch Covid-19 đã làm kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, chứa đựng những thách thức lớn, tác động sâu sắc đến đất nước ta. Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song, cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự “cạnh tranh” giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội…
Bối cảnh trên đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang trên chặng đường đi tới. Ðể báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các cơ quan báo chí, đặc biệt là mỗi nhà báo, cần quan tâm một số nội dung sau:
Thứ nhất, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác - một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo. Phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Viết để làm gì? Ðể giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Ðể phục vụ quần chúng”. Báo chí nước ta là báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”. Xin nhấn mạnh rằng, “thông tin trung thực” nhưng phải “phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”. Ðiều đó đòi hỏi mỗi nhà báo chúng ta phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí.
Thứ hai, với lực lượng báo chí lớn mạnh (850 cơ quan báo chí các loại hình, trên 41.000 người làm báo), báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội. Báo chí cần kịp thời phát hiện cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng, củng cố, vun đắp bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, đạo đức, tinh thần, ý chí và khí phách con người Việt Nam…
Thứ ba, các nhà báo cần không ngừng học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp một bộ phận người làm báo, cùng với những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo trong xã hội. Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song, không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, nhân bản của người làm báo.
Thứ tư, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội, cơ sở đào tạo báo chí cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ người làm báo; cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, đào tạo báo chí theo hướng hiện đại, gắn đào tạo với thực hành. Có cơ chế phù hợp để các cơ sở đào tạo mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan báo chí, cơ quan đào tạo khác ở trong và ngoài nước. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho hội viên.
Thứ năm, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí theo phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời và thuyết phục. Tiếp tục triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo bảo đảm điều kiện làm việc, thu nhập để yên tâm làm báo.
(*) Tựa đề do Báo Bình Định đặt.