Kiên quyết thu hồi nợ xấu “tàu 67”: Sẽ khởi kiện, phát mại tài sản
Trên cơ sở kế hoạch thu hồi nợ cho vay theo Nghị định 67 của UBND tỉnh, sắp tới đây ngành Ngân hàng sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển tổ chức thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn của các chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (“tàu 67”). Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh, trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh về vấn đề này.
● Vì sao tình trạng nợ xấu “tàu 67” phát sinh trong thời gian dài, thưa ông?
- Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại (NHTM) trong tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng cho 62 chủ tàu vay tổng cộng 921 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp 48 tàu vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ composite. Tính đến hết tháng 3.2020, tổng dư nợ cho vay là 865 tỷ đồng; trong đó có 48 chủ “tàu 67” nợ quá hạn 266 tỷ đồng (126 tỷ đồng tiền gốc và 140 tỷ đồng tiền lãi).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng là do ngư trường đánh bắt không thuận lợi, chi phí vận hành tàu cao, nhiều “tàu 67” hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) không hiệu quả, không có bạn đi biển; chủ tàu không mua được bảo hiểm nên không thể ra khơi, không có thu nhập trả nợ cho ngân hàng. Khó khăn dẫn tới việc nợ đọng là có, nhưng một số chủ tàu KTTS có lãi nhưng lại trốn tránh trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chính sách của Nghị định 67.
● Thời gian qua, việc thu hồi nợ xấu “tàu 67” cứ dây dưa mãi, theo ông là do…
- Mặc dù các NHTM trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, như nhiều lần làm việc trực tiếp với chủ tàu để yêu cầu trả nợ theo kỳ hạn, thường xuyên gửi giấy mời chủ tàu lên làm việc, gửi thông báo về tình hình khoản vay cho khách hàng… nhưng việc thu hồi nợ gặp khó khăn bởi phía ngân hàng không thể nắm bắt và quản lý thu nhập của chủ tàu, thậm chí rất khó biết được tàu đang ở đâu. Tài sản thế chấp để vay vốn Nghị định 67 là con tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu; tỷ lệ cho vay trên tài sản thế chấp lớn, nhưng giá trị tài sản thế chấp lại giảm xuống do hao mòn trong quá trình hoạt động dẫn đến việc thu nợ gặp khó. Nhưng chắc chắn sắp tới mọi việc sẽ phải dứt điểm!
● Vậy ngành Ngân hàng sẽ triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi nợ “tàu 67” vừa được UBND tỉnh ban hành như thế nào, thưa ông?
- Để gỡ vướng cho vấn đề này, UBND tỉnh đã phê duyệt và ban hành kế hoạch thu hồi nợ vay “tàu 67” để các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển cùng với ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục hành nghề và trả nợ vay, hỗ trợ các NHTM đánh giá tình hình KTTS của ngư dân để phân loại và thu nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng.
Tàu cá vỏ thép của ngư dân huyện Phù Cát chuẩn bị ra khơi.
Về phía ngành Ngân hàng, chúng tôi chỉ đạo các NHTM tiếp tục cơ cấu nợ, cho vay vốn lưu động, vận động chủ tàu thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay; làm việc trực tiếp với từng chủ tàu để xác định lộ trình trả nợ, bàn hướng xử lý các khoản nợ vay... Ví dụ, sẽ không còn cơ hội để những chủ tàu làm ăn có lãi nhưng tiếp tục chây ì, chính quyền và ngành chức năng có thể sẽ phối hợp để ngăn tàu đó ra khơi. Đây cũng là một biện pháp.
Cùng với đó, chủ động đề xuất kịp thời các giải pháp phù hợp đối với từng khoản vay trong quá trình thu nợ, kể cả khởi kiện ra tòa những chủ tàu cố tình không trả nợ vay cho ngân hàng theo đúng cam kết. Các NHTM cũng sẽ quyết liệt làm việc với các chủ tàu đã được phép chuyển đổi công năng để tính toán lại việc trả nợ. Ngay từ bây giờ các NHTM đã liên lạc với một số tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển nhượng những con tàu có khả năng phát mại trong thời gian tới.
Chúng tôi đã đề nghị các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố ven biển phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để thực hiện có hiệu quả kế hoạch thu hồi nợ vay “tàu 67” đạt hiệu quả.
● Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)