Trong kịch bản lạc quan nhất, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,3% trong năm 2020
Bản báo cáo nhận định, với kịch bản lạc quan nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt khoảng 5,3% trong cả năm 2020. Với các kịch bản trung tính và bi quan, mức tăng trưởng trong năm 2020 của kinh tế Việt Nam có thể chỉ là 3,9% (trung tính), hoặc thấp nhất là 1,7% (bi quan). Lạm phát dự báo sẽ dưới mức 4%.
TS Nguyễn Đức Thành, chủ biên Báo cáo, phát biểu tại sự kiện
Ngày 17.6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam của Đại học Quốc gia Hà Nội do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế thực hiện.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020 có chủ đề “Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển”, gồm 7 Chương và 2 Phụ lục.
Trong đó, ở Chương 6 với nội dung khảo sát tình trạng khó đo lường tình trạng “trốn và tránh thuế” của các công ty hoạt động tại Việt Nam, các tác giả báo cáo nhấn mạnh, các công ty đa quốc gia có nhiều cơ hội, nên cũng trốn và tránh thuế nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp trong nước. Trong điều kiện các yếu tố khác là như nhau, tỷ suất lợi nhuận (ROA và ROE) khai báo của các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI có xu hướng thấp hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước, bất chấp việc họ có những yếu tố thuận lợi hơn về thị trường, công nghệ, hay có mức độ thâm dụng vốn thấp hơn hẳn khu vực DNNN.
Ước tính trung bình trong giai đoạn 2013 – 2017, mức thuế thất thu do hành vi trốn và tránh thuế mỗi năm dao động trong khoảng 13.300 đến 20.700 tỷ đồng, tương đương 6,4% – 9,9% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Những con số này lớn gấp khoảng 3 – 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý. Trong đó, mức thất thu thuế mỗi năm từ khu vực FDI có thể lên tới 8.000 – 9.000 tỷ đồng, còn từ khu vực ngoài nhà nước có thể lên tới 10.500 tỷ đồng.
Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam đưa ra những ước lượng ban đầu về quy mô trốn và tránh thuế TNDN.
Đáng lưu ý, trong chương cuối cùng của Báo cáo, trên cơ sở phân tích về các xu hướng diễn biến chính của kinh tế thế giới cùng những đánh giá rủi ro và thuận lợi trên thị trường quốc tế cũng như trong nước, các tác giả Báo cáo nhận định, với kịch bản lạc quan nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt khoảng 5,3% trong cả năm 2020. Với các kịch bản trung tính và bi quan, mức tăng trưởng trong năm 2020 của kinh tế Việt Nam có thể chỉ là 3,9% (trung tính), hoặc thấp nhất là 1,7% (bi quan). Lạm phát không phải là vấn đề của năm 2020 và được dự báo sẽ dưới mức 4%.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)