KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21.6.1925 - 21.6.2020):
Xây dựng báo chí tỉnh nhà giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp
Ông Đỗ Nguyên Hùng
Ngày 18.6, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở TT&TT tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2020), trao giải thưởng báo chí tỉnh Bình Ðịnh năm 2020. Nhân dịp này, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Ðỗ Nguyên Hùng đã dành cho Báo Bình Ðịnh một cuộc trao đổi chân tình.
● Ông đánh giá thế nào về vai trò, đóng góp của các cơ quan báo chí, lực lượng những người làm báo trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- 95 năm qua, báo chí cách mạng nước ta nói chung và tỉnh ta đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, tính định hướng và kỹ thuật - nghiệp vụ của báo chí ngày càng được nâng cao.
Phát huy truyền thống đã đạt được, báo chí trong tỉnh đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước. Báo chí cũng là cầu nối hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như đối với công cuộc đổi mới; kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, thói hư, tật xấu trong xã hội.
“Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được “dòng chảy chính” của xã hội, của đất nước, phải “phò chính, diệt tà”. Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng ý chí khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.
Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, làm báo mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thử thách, gian nan. Hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam”.
Trích Thư Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC gửi các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu và toàn thể cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam năm 2020.
Thông qua báo chí, hình ảnh quê hương, con người Bình Định, những bước phát triển của tỉnh nhà đến được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần thu hút đầu tư, phát triển du lịch, KT-XH.
Trong thiên tai, dịch bệnh, đơn cử như đại dịch Covid-19, lực lượng người làm báo xung kích ở tuyến đầu của mặt trận thông tin chống dịch, truyền tải nhanh chóng, kịp thời, chính xác giúp người dân nâng cao nhận thức, tin tưởng, đồng hành cùng Đảng, Chính phủ, tỉnh trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”.
● Đạo đức báo chí tiếp tục được đưa ra bàn luận mỗi khi đến ngày kỷ niệm của nghề. Ông nhận định gì về đạo đức người làm báo trên địa bàn tỉnh?
- Đạo đức người làm báo không phải là một khái niệm trừu tượng, khó hiểu mà chính là hành vi ứng xử của người làm báo, là lương tâm, trách nhiệm xã hội của nhà báo. Một số hành vi vi phạm pháp luật của người làm báo trong nước thời gian qua là biểu hiện của sự thiếu bản lĩnh chính trị, văn hóa, thiếu tu dưỡng và rèn luyện đạo đức.
Luật Báo chí đã có hiệu lực nhiều năm. 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam góp thêm thước đo, là cẩm nang để người làm báo ghi lòng, tạc dạ, tiếp tục rèn mình.
Phóng viên các cơ quan báo chí phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) tại Bình Định. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Tháng 7.2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam tỉnh Bình Định. Hội đồng có trách nhiệm phát hiện sai phạm, tiếp thu phản ánh, tố cáo, yêu cầu đương sự làm kiểm điểm, tổ chức họp Hội đồng xem xét và kết luận; ra văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng Trung ương quyết định xử lý, kỷ luật ở mức khai trừ và thu hồi thẻ hội viên; ký các quyết định phê bình, khiển trách, cảnh cáo; theo dõi việc sửa chữa vi phạm, kết luận tiến bộ và đề nghị xóa hình thức kỷ luật.
Nhưng rất may, cho đến nay, vẫn chưa có vụ việc, cá nhân nào cần sự vào cuộc của Hội đồng. Sự “thất nghiệp” của Hội đồng phần nào phản ánh “bức tranh” sáng về đạo đức báo chí của những người làm báo trên địa bàn tỉnh. Tôi tin tưởng đội ngũ nhà báo trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục giữ vững lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội.
● Bên cạnh những thuận lợi, báo chí đang đứng trước những thách thức, khó khăn. Báo chí trong tỉnh cần tập trung vào những nhiệm vụ nào, thưa ông?
- Tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường; những tác động chưa từng có do đại dịch Covid-19 đã và đang mang đến những thách thức lớn, tác động sâu sắc đến Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng. Những thành tựu của KH&CN đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song, cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự “cạnh tranh” giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội…
Trước những yêu cầu mới, thách thức mới, mỗi nhà báo cần tiếp tục học tập, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình; để phục vụ quần chúng”.
Các cơ quan báo chí tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, đổi mới trang thiết bị nhằm xây dựng nền báo chí tỉnh nhà giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng đội ngũ nhà báo ngang tầm, đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa...
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)