Cải tiến dây chuyền sản xuất chỉ xơ dừa
Từ máy tuốt lúa, máy nghiền mì đã cũ, ông Lê Công Tho (64 tuổi, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) thiết kế dây chuyền sản xuất chỉ xơ dừa, cung ứng cho nhiều DN sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh.
Chị Lê Thị Mến, con gái ông Tho, giới thiệu sản phẩm bót xơ dừa được làm từ chiếc máy đã được cải tiến.
Tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất chỉ xơ dừa hoạt động, chúng tôi mới thấy hết sự sáng tạo của người nông dân này. Những vỏ dừa cứng và dày, nhưng chỉ cần đưa vào băng chuyền cuốn một lần qua máy, một giây sau đã vỡ vụn hoàn toàn, bị máy thổi ra xa và dồn đống trong góc sân.
“Cơ sở sản xuất của ông Tho không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn thương mại hóa sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ông Tho còn là nông dân sản xuất giỏi, người đi đầu phong trào trồng thanh long ruột đỏ của huyện. Ông từng được UBND tỉnh tặng bằng khen nông dân sản xuất giỏi”.
ÔNG PHẠM VĂN CHỨC, CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN HUYỆN HOÀI ÂN
Ông Tho theo nghề sản xuất bót xơ dừa 8 năm nay. Ban đầu, ông làm thủ công bằng tay, cực nhất là khâu xử lý vỏ dừa mà chất lượng sản phẩm làm ra không cao, sản phẩm khó tìm được đầu ra. Năm 2016, ông bắt đầu mày mò nghiên cứu thiết kế chiếc máy đập xơ dừa, rồi nhờ kỹ sư chế tạo.
Dây chuyền sản xuất chỉ xơ dừa gồm máy đập xơ dừa, máy lấy sợi, máy tách cám... Về nguyên lý hoạt động, đó là máy nghiền mì được ông Tho cải tiến gắn thêm bộ phận ròng rọc và bánh đai (puly) loại nhỏ giúp máy chạy nhanh hơn. Ông còn gắn cánh quạt dày cho công suất lớn hơn, thay bộ phận lồng sắt bên ngoài thành sắt nhẹ, nhờ đó máy đập tốc độ nhanh hơn. “Công suất của dây chuyền đập xơ dừa có thể “tua” với tốc độ 1.000 vỏ dừa/giờ. So với làm thủ công, chiếc máy này giúp giải phóng đến 90% sức lao động, tăng khoảng 70% - 80% sản phẩm và tiết kiệm hơn 50% chi phí”, ông Tho chia sẻ.
Ông Tho còn cải tiến máy tuốt lúa thành máy lấy chỉ xơ dừa. Vì sợi dừa nhỏ nên ông cải tiến lại “hàm răng” của quả lu máy cho dày hơn; đinh của máy cũng được thay bằng loại sắt không rỉ, loại dùng để đóng tàu dày dặn và chắc chắn hơn. Chỉ xơ dừa qua chiếc máy được xếp đều thẳng tắp. Đây là nguyên liệu chính để sản xuất bót xơ dừa.
Phần “xác” dừa còn lại sẽ được đưa vào một chiếc máy khác để tách lấy cám dừa và xơ dừa. Cám dừa dùng để bán làm phân bón, còn xơ dừa được các cơ sở sản xuất mua về làm thảm dừa. Như vậy, vỏ dừa sau khi trải qua một quy trình xử lý, tất cả nguyên liệu đều được tận dụng.
Không ngừng ở đó, ông còn mày mò nghiên cứu điều chỉnh lại thiết kế của máy tuốt cạnh, máy chà nhám... phù hợp với điều kiện sản xuất của cơ sở. Hiện, cơ sở của ông Tho trung bình sản xuất trên 1.000 sản phẩm bót xơ dừa/ngày, doanh thu 40 triệu đồng/tháng.
“Nhờ chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm cơ sở của chúng tôi làm ra được nhiều DN sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh đón nhận. Đến giờ, có hơn 10 DN ở Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn) và DN của Hàn Quốc, Đài Loan tại các Khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương đặt hàng chúng tôi sản xuất máy”, ông Tho vui vẻ nói.
Là khách hàng thường xuyên mua sản phẩm bót xơ dừa từ cơ sở của ông Tho, anh Hồ Anh Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Toàn Phú, nhận xét: “Sản phẩm được sản xuất đúng quy chuẩn, bền và chắc chắn vì thế được thị trường đón nhận”.
Chị Lê Thị Nguyên, một trong số 14 công nhân làm việc tại cơ sở của ông Tho, cho hay: Từ khi có máy chế biến xơ dừa công việc nhẹ nhàng hẳn, thu nhập cũng tăng rõ bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tôi thích công việc này vì vừa có thu nhập tương đối ổn định vừa mang ý nghĩa duy trì và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.
HỒNG HÀ