Ngành chế biến gỗ: Ðón cơ hội từ EVFTA
Ngày 8.6, Quốc hội chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), mở ra cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ trong nước nói chung, tỉnh Bình Ðịnh nói riêng. Tuy nhiên, EVFTA cũng đòi hỏi DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu phải chủ động đổi mới.
Hoạt động chế biến đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành.
Chủ động đổi mới
Để tận dụng cơ hội từ EVFTA cũng như các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam ký kết, nhiều DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu trong tỉnh chủ động nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Ông Lê Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ gỗ Đại Thành, chia sẻ: “Muốn phát triển, DN buộc phải tự thay đổi từ công nghệ, thiết bị, mẫu mã sản phẩm, cho đến công tác quản trị, nhân lực. Trước đây, Đại Thành có nhiều dây chuyền sản xuất phải dùng đến 10 - 20 công nhân làm việc, nhưng nhờ đầu tư thiết bị hiện đại đến nay chỉ cần 1 - 4 công nhân vận hành. Chúng tôi cũng chuyển dần từ sản xuất hàng đồ gỗ ngoại thất (outdoor) sang đồ gỗ nội thất (indoor) với các dòng sản phẩm chủ lực là tủ bếp, tủ phòng tắm để đáp ứng nhu cầu khách hàng, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ”.
Với Tổng Công ty PISICO Bình Định, Tổng giám đốc Đồng Thị Ánh cho hay, cùng với nền tảng sản xuất hiện có, yêu cầu đặt ra là phải không ngừng đổi mới công nghệ, từng bước hoàn thiện cơ chế quản trị DN, nâng cao về năng lực sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng đầy đủ yêu cầu khách hàng, nhất là những mặt hàng cao cấp về chất lượng và mỹ thuật. Đây được xem như yếu tố “sống còn” của DN để giữ vững thương hiệu, tạo uy tín với đối tác ở những thị trường đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao.
Không chỉ DN lớn, những DN gỗ quy mô vừa trong tỉnh cũng vạch ra hướng đi để đón thời cơ từ EVFTA. “EVFTA có hiệu lực không chỉ giúp DN được ưu đãi về thuế mà còn có cơ hội mua máy móc, thiết bị, tiếp nhận công nghệ cũng như trình độ quản trị DN từ EU để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của mình. Vấn đề quan trọng nhất là chính DN phải nhạy bén để nắm bắt cơ hội từ EVFTA, chủ động đáp ứng yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, sức ép cạnh tranh… biến thách thức thành cơ hội”, ông Bùi Đắc Tính, Giám đốc Công ty TNHH Trường Sơn, bày tỏ.
DN phải nắm rõ các quy tắc EVFTA
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng khẳng định: Phần lớn DN chế biến gỗ trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, để tiếp cận “sân chơi” EVFTA và các FTA khác, DN phải nắm và áp dụng trung thực quy tắc xuất xứ được quy định riêng cho mỗi FTA. Ngành Công Thương sẽ tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ về EVFTA và các FTA hỗ trợ DN nắm bắt thông tin thị trường. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm nước ngoài để DN dễ dàng tiếp cận hơn thị trường xuất khẩu, hạn chế những rủi ro do tác động của EVFTA.
EVFTA không chỉ mở ra cơ hội cho DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu trong tỉnh tiếp cận thị trường EU, mà còn giúp DN chủ động hình thành các chuỗi cung ứng mới, mở rộng thị phần xuất khẩu, giá trị gia tăng cao hơn. Theo ông Lê Minh Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, VIFOREST sẽ tăng cường phối hợp các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh công tác phổ biến EVFTA, cung cấp thông tin xúc tiến thương mại ngành gỗ cho hội viên; phối hợp các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai các dự án xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình bảo đảm gỗ hợp pháp, thực hiện trách nhiệm xã hội của DN, phát triển DN bền vững, giúp hội viên khai thác hiệu quả cơ hội từ EVFTA. Đồng thời, DN phải đầu tư năng lực sản xuất kinh doanh cốt lõi, xây dựng chiến lược, mô hình kinh doanh, quản trị nhân lực, tài chính; tăng chất lượng hàng hóa, đẩy nhanh cấp mã tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho DN xuất khẩu theo quy định, tiêu chuẩn EU…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN