Ðộng lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm, sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 đến 31.12.2025. Ðây được xem là động lực tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả nước. Phóng viên Báo Bình Ðịnh phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu về vấn đề này.
● Thưa ông, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một chính sách để trợ lực cho “tam nông”. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chính sách này ở Bình Định thời gian qua?
- Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ trong việc tạo điều kiện phát triển nông nghiệp bền vững gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả nước. Chính sách này tác động trực tiếp tới từng hộ gia đình, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn; qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) thực hiện theo Luật thuế SDĐNN năm 1993; Pháp lệnh thuế bổ sung đối với hộ gia đình SDĐNN vượt quá hạn mức diện tích năm 1994; Nghị quyết số 55/2010/QH12 ban hành ngày 24.11.2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế SDĐNN; Nghị quyết số 28/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55, thực sự tạo dấu ấn trong phát triển nông nghiệp địa phương, từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta chủ yếu ở quy mô nhỏ. Thông qua các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, trực tiếp nhất là chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế SDĐNN tạo điều kiện cho nông dân có nguồn tài chính đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện cuộc sống, cải thiện sinh kế, giảm bớt khó khăn, nông dân gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chính sách này góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và DN đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với phát triển bền vững, tạo ra nền sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa, tăng tính cạnh tranh… Điều đó đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cả về chất lẫn lượng.
● Quốc hội vừa phê chuẩn kéo dài thời hạn thực hiện miễn, giảm thuế SDĐNN thêm 5 năm. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào?
- Như tôi đã nói, đặc thù của nền sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta là quy mô nhỏ; Bình Định là một trong những địa phương miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai (bão, lũ, hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu), điều này ảnh hưởng lớn tới việc phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Tôi nghĩ những đối tượng được hưởng lợi từ chính sách sẽ phấn khởi, thêm quyết tâm phát triển sản xuất. Khi nông dân có thêm nguồn lực tài chính, họ sẽ tham gia vào các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn như cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương; tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản như mô hình liên kết sản xuất lúa giống của các HTXNN trong tỉnh, mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản theo chuỗi…
Mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh).
Tác động lan tỏa từ chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN còn là việc người dân từng bước thay đổi nhận thức. Đó là việc nông dân trong tỉnh chuyển từ SDĐNN không đúng mục đích sang SDĐNN đúng mục đích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Thực tế, việc sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp đều có ở các địa phương, chủ yếu là sử dụng để trồng bạch đàn, keo lai. Cùng với chính sách ưu đãi, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh, địa phương, người dân ở các địa phương chuyển đổi đất về đúng mục đích. Đến nay, ở các địa phương như Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn… phát triển mô hình sản xuất thâm canh cây ăn quả (bưởi da xanh, bơ, quýt đường), rau an toàn mang lại giá trị kinh tế cao.
● Để phát huy hiệu quả của chính sách này, UBND tỉnh định hướng, chỉ đạo các địa phương triển khai những nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?
Ông Ðào Hữu Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDÐNN theo Nghị quyết số 55 và Nghị quyết số 28 của Quốc hội, tháng 8.2019, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện thống kê, báo cáo kết quả lên UBND tỉnh, Tổng cục Thuế. Trong năm 2018, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện miễn, giảm cho 174.637 đối tượng/hơn 63.591 ha/hơn 91 tỷ đồng. Ðây là chính sách tác động tích cực trực tiếp tới nông dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Trách nhiệm của cơ quan thuế là tiếp tục theo dõi sát tình hình, triển khai chính sách này hiệu quả và đảm bảo đúng đối tượng.
- Mục tiêu của chính sách là trợ lực cho “tam nông”, việc tuyên truyền chính sách này để người dân hiểu và thực hiện đúng là yêu cầu đầu tiên. UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế tỉnh tiếp tục theo sát việc triển khai chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN trên địa bàn tỉnh. Cùng với hỗ trợ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết tâm xóa bỏ tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp sai mục đích; thu hồi đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích, từng bước triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ đất nông nghiệp, đất trồng lúa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
● Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)