Chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng
Ngày 21.6.1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xuất bản số đầu tiên của Báo Thanh Niên. Báo đã trở thành phương tiện tuyên truyền mục đích, tôn chỉ và chủ trương của Hội, đồng thời hướng dẫn hoạt động cách mạng cho mỗi hội viên. Báo Thanh Niên đã trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, góp phần quan trọng chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo GS Phạm Xanh, việc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xuất bản Báo Thanh Niên làm cơ quan ngôn luận là điểm khác biệt hẳn với các tổ chức chính trị cùng thời như Tân Việt (không có) và Việt Nam Quốc dân Đảng (chỉ ra 1 số rồi thôi). Cũng theo GS Phạm Xanh, Báo Thanh Niên in trên khổ giấy học sinh ngày trước (khoảng 18 x 24 cm) viết bằng bút sắt nhọn trên giấy sáp. Trang 1, phía trên cùng, trung tâm là tên Báo Thanh Niên (bằng chữ Hán và chữ Việt). Góc trái là hình ngôi sao năm cánh (ghi số báo). Tất cả đóng khung chạy dài suốt trang báo. Báo Thanh Niên có khi 4 trang, khi 2 trang. Mỗi trang chia làm hai cột như tạp chí, mỗi cột từ 23 đến 26 dòng chữ. Số mục, số bài ít. Bài viết thường gọn. Thỉnh thoảng mới thấy có bài viết dài được ngắt ra đăng liên tiếp trên mấy số báo liền nhau. Thỉnh thoảng báo có một hình vẽ. Báo có những mục lớn: Xã luận, Tân văn (Tin tức), Diễn đàn phụ nữ, Thanh niên, Vấn đáp, Nghiên cứu lý luận, Thư tín... Mỗi số báo Thanh Niên được in khoảng 100 bản, hầu hết được bí mật gửi về Việt Nam, một số gửi cho các cơ sở ở Thái Lan. Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập và là cây bút chủ chốt của tờ báo. Bài ký tên là Z.A.C. là của Nguyễn Ái Quốc. Đó là những bài quan trọng về mặt chính trị - tư tưởng, về mặt lý luận, thực tiễn. Ngoài Nguyễn Ái Quốc, trong ban biên tập gồm các ủy viên Tổng bộ Thanh niên như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm... Về số lượng, từ ngày 21.6.1925 đến tháng 4.1927, tức là thời kỳ có sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, Thanh Niên ra được 88 số và suốt cả thời kỳ tồn tại của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, báo ra được trên 200 số.
Về nội dung của Báo, GS Phạm Xanh cho rằng, Thanh Niên tập trung tuyên truyền những vấn đề chính sau đây: Đế quốc và thuộc địa; cách mạng và cải lương; vì lẽ gì người Việt Nam chưa làm cách mạng được; những trở ngại tư tưởng và tổ chức cần vượt qua; Đảng cách mạng, Đảng Cộng sản; cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới; Đảng cách mạng và Mặt trận dân tộc thống nhất; hướng đến phát động một phong trào đấu tranh của quần chúng; học tập các cuộc cách mạng thế giới; học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin.
Như vậy, nội dung cơ bản nêu trên cho thấy Báo Thanh Niên góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam vào đầu năm 1930.
Từ việc Báo Thanh Niên ra đời và góp phần quan trọng cho sự ra đời của Đảng ta vào mùa Xuân năm 1930 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học vô cùng quý báu. Trong đó, bài học cơ bản và quan trọng nhất là vai trò của báo chí cách mạng - chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng nói riêng, sự nghiệp cách mạng nói chung.
Phát huy vai trò quan trọng nói trên, 95 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, luôn đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng trong mọi thời kỳ, giai đoạn cách mạng. Nhờ thế, báo chí cách mạng nước ta đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Trong gần một thế kỷ qua, kể từ ngày Báo Thanh Niên - tờ báo khởi đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số báo đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng báo chí cách mạng nước ta không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”.
LÊ VĂN MINH